Cải cách… nửa vời

(Dân trí) - “Tôi sợ lắm rồi…” – đây là chia sẻ của một vị doanh nhân khi cho biết ông không còn muốn tham gia góp ý, phát biểu gì về những bất cập của các quy định pháp luật sau rất nhiều cay đắng đã trải qua trong quá trình kinh doanh của bản thân.

Cải cách… nửa vời - 1

Báo Pháp luật TPHCM thuật lại rằng, vị doanh nhân kia trải lòng không thể chịu đựng nổi bởi chỉ trong quý I/2018, các cửa hàng của công ty đã bị kiểm tra tới gần 20 lần, ấy là chưa kể những lần kiểm tra năm 2017. Mức độ kiểm tra liên miên khiến công ty phải thành lập riêng một bộ phận ba người chỉ để tiếp các đoàn kiểm tra, thanh tra.

Xin nhắc lại, tình trạng này diễn ra ngay cả khi từ giữa năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20 quy định rõ chỉ được thanh, kiểm tra mỗi năm 1 lần nhằm giảm phiền hà, nhũng nhiễu và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Chẳng những công khai không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ mà các đơn vị thực hiện công tác này còn ngang nhiên “trả thù” những doanh nghiệp nào dám phản ánh sự việc với cơ quan báo chí.

“Trong quá trình đi tìm hiểu về những khó khăn doanh nghiệp gặp phải, các doanh nghiệp mà chúng tôi liên hệ, gặp gỡ đều xin không nêu danh tính. Bởi mỗi khi họ xuất hiện công khai nói về những cách hành xử không đúng của công chức thừa hành thì họ lại tiếp tục… bị hành” – Tác giả bài báo này kể lại.

Thay vì là đơn vị hành chính phục vụ doanh nghiệp thì những người làm hành chính lại cản trở doanh nghiệp bằng nhiều cách khác nhau. Công chức ra sức bày chiêu trò chặt chém doanh nghiệp để làm giàu cho mình.

Người viết rất đồng tình với ý kiến của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh rằng, sự chuyển biến trong cải cách chưa cao dù cho quyết tâm của Chính phủ rất lớn xuất phát từ việc tiền lương công chức không đủ sống.

Vấn đề bất cập này có thể sẽ được giải quyết dần kể từ năm 2021, khi mà Nhà nước thực hiện cải cách tiền lương. Theo đó, lương sẽ là thu nhập chính, đảm bảo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức (lương công chức lúc đó có thể đạt tới 33 triệu đồng/tháng).

Khi đồng lương được đảm bảo thì “động lực” để tham nhũng, để “hành” doanh nghiệp và người dân sẽ giảm. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là điều kiện cần, chưa thể là điều kiện đủ.

Ai có thể được đảm bảo, khi đã “đủ sống” thì không còn tình trạng cố tình “hành” doanh nghiệp và người dân sẽ không còn nữa? Cho nên, điều kiện đủ phải là tạo được một thiết chế công khai, minh bạch về thu nhập, để chỉ nhìn vào vị trí chức vụ thì ai cũng có thể biết được, với công việc đó sẽ có thu nhập bao nhiêu (bao gồm cả lương và phụ cấp) và nghĩa vụ thuế đến đâu.

Lúc đó, đâu ai cần phải viện cớ “làm thối móng tay”, “chạy xe ôm”… cho tài sản của bản thân.

Và để tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, thì thay vì các chỉ đạo hành chính, thiết nghĩ mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều sẽ phải thực hiện theo quy định của pháp luật và bị pháp luật điều chỉnh một cách sát sườn và nghiêm khắc. Ai không làm được sẽ phải trả giá.

Vẫn những con người đó nhưng nếu được đặt trong môi trường minh bạch thì tiêu cực cũng sẽ giảm thiểu. Không những bớt tham nhũng vặt mà nạn tiêu cực “chia chác” tại các dự án công cũng sẽ giảm. Còn nếu giải quyết được cả vấn đề con người, chọn đúng người vào đúng vị trí thì… còn gì bằng!

Tất nhiên, xin nhấn mạnh, minh bạch phải là minh bạch thực chất, không nửa vời, không hình thức!

Bích Diệp