Bùng “dịch” tin giả, xin hãy cảnh giác!

(Dân trí) - Việc “chống giặc”, thiết nghĩ cần được thực hiện song song với chống “dịch tin giả”, xử lý mạnh tay với những kẻ dã tâm, trơ trẽn đang hòng trục lợi trên cơm áo của đồng bào và niềm tin của cộng đồng.

m_tin-vit.jpg

 

 

Trong khi dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu lan rộng và đã có mặt tại nhiều tỉnh thành, người dân cả nước, đặc biệt là những người chăn nuôi luôn trong trạng thái lo lắng về diễn biến dịch bệnh thì có một thứ “dịch” khác cũng nguy hại không kém đang tồn tại song song: “Dịch” tin giả.

Ngày 8/3, chủ sở hữu trang Facebook Đầm Bầu Thời Trang Mami bị Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) triệu tập đến làm việc để làm rõ thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi mà trang này đã đăng.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít tài khoản mạng xã hội khác vẫn vô tư lan truyền các thông tin sai sự thật này nhưng chưa bị xử lý.

Cách đây vài ngày, một người thân đã lớn tuổi nhắn hỏi người viết về một loạt hình ảnh đăng trên trang facebook cá nhân “Trang Thao Mandy” khi tài khoản này loan tin đã có hai người bị nhiễm virus tả lợn châu Phi và kêu gọi cộng đồng ngưng ăn thịt lợn. Song không nhiều người cố gắng xác tín lại thông tin như thế này. Đa số sẽ chỉ cần vỏn vẹn vài giây cho nút “share” (chia sẻ) để “cảnh báo” người thân của họ về trầm trọng của sự việc.

Với lối lan truyền thông tin trên mạng xã hội một cách cẩu thả, vô trách nhiệm ấy lại càng khiến thông tin về bệnh dịch trở nên nhiễu loạn và gây hoang mang trong công chúng, bất chấp sự lên tiếng của các chuyên gia trong ngành trên báo chí chính thống.

Báo Dân trí trong bài viết “Ăn phải thịt lợn nhiễm dịch tả châu Phi có sao?” đăng tải ngày 6/3/2019 đã dẫn ý kiến PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: “Dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn”.

PGS Phu giải thích: Dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virus, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.

Song song với đó, báo chí cũng liên tục đăng tải thông tin về các chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ người chăn nuôi bằng việc mua lại lợn nhiễm virus và đem tiêu huỷ để tránh lợn bệnh bị đem bán trên thị trường.

Ấy thế mà, không thể hiểu nổi vì sao những thông tin hoàn toàn bịa đặt, vô căn cứ “trôi nổi” trên mạng lại có thể thu hút sự quan tâm của cộng đồng đến vậy! Hàng chục nghìn lượt chia sẻ trên Facebook có tác động tiêu cực không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng.

Liệu khi nhấn vào nút “chia sẻ” ấy, có ai dừng lại trong giây lát để ý thức rằng, mình đang góp phần loan truyền tin giả và bị các đối tượng tung tin lợi dụng để “câu view”, trục lợi? Liệu có ai biết, mỗi một lần “chia sẻ” như thế chính là một nhát dao đâm vào sinh kế của những người nông dân, những doanh nghiệp chăn nuôi chân chính vốn đã phải trải qua quá nhiều vất vả, đối mặt với quá nhiều khó khăn, thách thức hay không?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ trong việc khống chế dịch bằng tuyên bố cứng rắn “chống dịch tả lợn như chống giặc”.

Việc “chống giặc”, thiết nghĩ cần được thực hiện song song với chống “dịch tin giả”, xử lý mạnh tay với những kẻ dã tâm, trơ trẽn đang hòng trục lợi trên cơm áo của đồng bào và niềm tin của cộng đồng.

 

Bích Diệp