“Bức xúc không làm ta vô can”
(Dân trí) - Xin mượn tựa đề cuốn sách của TS Đặng Hoàng Giang để nói lên thông điệp, rằng số phận của những đứa trẻ bị bỏ rơi, xấu số… có trách nhiệm của chúng ta, của những người đang tạo ra “dư luận”.
Chiều 29/6, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, bé sơ sinh bị bỏ rơi 41 giờ đồng hồ dưới hố ga đã không thể qua khỏi vì tình trạng sốc nhiễm khuẩn quá nặng.
Vậy là, không một phép màu nào có thể giữ được sinh linh bé nhỏ ấy ở lại. Cháu bé kiên cường đã khép lại một chặng đường đời đầy ngắn ngủi và để lại day dứt cho biết bao người. Nếu thực sự có kiếp sau, cầu cho cháu sẽ có một cuộc đời trọn vẹn, được chăm sóc và được yêu thương.
Nguyễn Văn An - đó là tên mà người dân đặt cho cậu bé, với ước mong cháu sẽ sống sót và có được một cuộc đời bình an…
“Bình an”, cũng là điều mà tôi ước ao mọi trẻ em trên cuộc đời này đều nhận được, nhất là với những đứa trẻ bị bỏ rơi, khi vừa mới ra đời đã phải chống chọi với số phận đầy tàn khốc.
Chỉ 1 ngày sau đó (ngày 30/6), Phạm Thị Thành, một phụ nữ 31 tuổi, người được xác định là mẹ cháu An, đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về hành vi vứt bỏ con mới đẻ.
Là một người mẹ, bản thân tôi rất khó hình dung việc vì sao người phụ nữ kia có thể đang tâm bỏ rơi con của mình trong tình trạng vừa mới sinh xong như thế. Dù là vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể nuôi được con thì việc để lại đứa bé dưới hố gas dưới cái nóng 40 độ của mùa hè, trong tình trạng không có quần áo mặc… thật sự là quá tàn nhẫn, không thể không khiến người khác cảm thấy phẫn nộ.
Tôi tự hỏi, chẳng nhẽ trong người mẹ ấy không hề xuất hiện một sợi dây liên kết nào của tình mẫu tử? Vì sao có thể rời bỏ con suốt 3 ngày liền? Sao lại để cháu bé ở một nơi ít có cơ hội sống sót như thế? Và khi nghe tin con mình được phát hiện trong tình trạng hai mắt, mũi, miệng, cơ thể đang bị dòi bọ bám dính, liệu rằng Thành có day dứt, thương xót hay không…?
Dẫu có rộng lượng đến đâu, thì với tôi, đó cũng vẫn là một tội ác.
Người mẹ đó 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, sinh thành nên cháu bé, nhưng chính người mẹ đó đã tước đoạt đi sinh mạng của con mình.
Thành chắc chắn rồi sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, việc kết luận xin chờ cơ quan chức năng điều tra và toà án.
Chỉ có điều, ngoài kia còn có bao nhiêu người phụ nữ như Thành, bao nhiêu đứa trẻ đáng thương như cháu An… Ý nghĩ này khiến tôi không khỏi ớn lạnh xen lẫn xót xa.
Thông tin trên báo chí về tình trạng trẻ bị bỏ rơi ngày một nhiều cho thấy vẫn còn rất nhiều phụ nữ sinh con khi chưa chuẩn bị tâm lý, chưa có kiến thức cũng như tài chính để nuôi dưỡng trẻ. Định kiến đối với những người mẹ đơn thân dù có giảm nhưng vẫn nặng nề và đây cũng là điều bóp nghẹt quyền được sinh ra, quyền được sống với những đứa trẻ xấu số.
Một xã hội tốt đẹp chính là một xã hội mà những đứa trẻ được chăm sóc và được yêu thương. Thế nhưng rõ ràng, trong những năm vừa qua, những góc khuất về cuộc sống của trẻ em đã liên tục được phơi bày. Vẫn quá nhiều trường hợp trẻ em bị lợi dụng và bị đối xử tàn tệ.
Chúng ta có thể trách người mẹ của bé An, nhưng những người lớn như chúng ta cũng cần nhìn lại trách nhiệm của bản thân, liệu chúng ta phải làm gì để xoá bỏ tình trạng vô cảm, xoá bỏ định kiến và để trẻ em được quyền sống, được phát triển?
Như tựa đề một cuốn sách của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: “Bức xúc không làm ta vô can”. Việc hành động để giáo dục kiến thức cho trẻ vị thành niên, bảo vệ quyền của phụ nữ và chăm sóc trẻ em… không bao giờ là quá muộn.
Bích Diệp