Bộ trưởng Luận đã vượt qua… "nỗi sợ"!

(Dân trí) - Một công trình dai dẳng 35 năm “thực nghiệm” qua nhiều đời lãnh đạo bộ, cho đến nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đặt dấu chấm, đồng ý cho triển khai đại trà thì không thể không nói đó là sự dũng cảm, rất dũng cảm phải không các bạn?

 

(MInh họa: Ngọc Diệp)
 
(MInh họa: Ngọc Diệp)
 
 
Trong phần trả lời chất vấn tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội ngày 22/3 vừa qua, ĐB. Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đặt câu hỏi về mô hình trường thực nghiệm do GS. Hồ Ngọc Đại khởi xướng đã tiến hành hàng chục năm nay, được khẳng định về chất lượng, xã hội đón nhận, phụ huynh tin cậy, nhiều nhà giáo hy vọng, tin tưởng, nhưng đến nay chưa được triển khai đại trà. ĐB. Hùng đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ nói chung và Bộ trưởng nói riêng.
 
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết từ khi nhận nhiệm vụ, ông đã 2 lần xuống làm việc tại Trường Thực nghiệm và thấy mô hình này tốt. “Tôi tìm hiểu thì nhiều tỉnh, nhất là ở các tỉnh biên giới phía bắc, tôi nghe lãnh đạo địa phương nói tốt về chương trình này nên chúng tôi quyết định cho áp dụng. Việc gì có lợi thì làm, hiện chương trình được triển khai ở 35 tỉnh, cả miền núi và đồng bằng. Chúng tôi sẽ tổng kết mô hình này cho chính quy hóa, chắc chắn sẽ được áp dụng”. Bộ trưởng Luận khẳng định.
 
Trước hàng triệu cử tri cả nước theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp, Bộ trưởng Luận còn kể thêm rằng trong khi trao đổi, GS. Hồ Ngọc Đại hỏi ông: “Khi ký cái này, anh có sợ không?”. “Em có sợ”. Ông Luận trả lời. “Sợ, sao anh còn ký?”. “Em thấy việc gì có lợi cho dân thì làm, theo lời dạy của Bác Hồ”.
 

Vậy mô hình trường thực nghiệm là gì và vì sao lại khiến vị Bộ trưởng phải “sợ” khi ký quyết định cho triển khai đại trà?

 
Xin trở lại câu chuyện 35 năm trước.

Vào năm 1978, một nhóm các nhà khoa học giáo dục tài năng như Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Kế Hào, Đặng Ngọc Diệp… từ đại học Lômônôxôp (Liên Xô) về nước với quyết tâm làm một cuộc cách mạng giáo dục để, nói như GS. Đại là thể hiện sự “nổi loạn tư duy giáo dục", một sự "nổi loạn" cần thiết cho hồi sinh và phát triển của đất nước giai đoạn hòa bình, thống nhất.

Những năm đầu, công trình nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và được đón nhận hết sức hồ hởi ở các địa phương vì những thành công đích thực của nó. Thế nhưng sau đó chẳng hiểu vì sao, mô hình càng phát triển bao nhiêu thì nó lại càng bị… lạnh nhạt bấy nhiêu.

Người ta đã hơn một lần định xóa sổ cái mô hình này. Hậu quả là dù đã có “thâm niên” 35 năm, hàng triệu học sinh trưởng thành từ ngôi trường này và các tác giả của nó người còn, người đã về nơi vĩnh hằng thì ai oán thay và cũng hài hước thay, nó vẫn mang cái tên rất là son trẻ "Trường Thực nghiệm!".
 
Có lẽ rồi đây nó sẽ được ghi vào sách Ghinet bởi đây là một cuộc "thực nghiệm" dài nhất, dai dẳng nhất thế giới?!

Cũng cần nói thêm, ngoài việc đặc biệt thành công trong giáo dục học sinh tiểu học đồng bào các dân tộc, các em không bị tái mù thì đây còn là nơi GS. Ngô Bảo Châu đã từng theo học và cũng là nơi năm 2012, hàng ngàn phụ huynh xin học cho con chen đổ cổng trường.

Giờ thì như một câu chuyện cổ tích, công trình thực nghiệm của GS. Đại đang thành hiện thực. Dù đã có một kết quả “có hậu” nhưng không khỏi băn khoăn.

Đành rằng đã có không ít những phát minh khoa học không được người đương thời công nhận nhưng để Chương trình Công nghệ giáo dục phải kéo dài đến 35 năm trong thời đại khoa học phát triển như hiện nay là điều khó tưởng tượng.

Âu cũng là nỗi đau của nền giáo dục nước nhà mà hậu quả thì như ngày nay chúng ta đều đã thấy rõ.

Xin được chúc mừng GS. Hồ Ngọc Đại và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Có lẽ tất cả chúng tôi đều cầu mong cho các ông thành công để đưa nền giáo dục nước nhà đi lên.

Còn câu hỏi về “nỗi sợ” của Bộ trưởng Luận có lẽ Bộ trưởng trả lời là chính xác nhất. Người viết bài này chỉ xin chia sẻ, rằng một công trình đã dai dẳng qua 35 năm “thực nghiệm” với nhiều đời bộ trưởng, cho đến nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Luận đã đặt dấu chấm, cho triển khai đại trà thì không thể không nói đó là sự dũng cảm, rất dũng cảm, phải không các bạn?

 

Bùi Hoàng Tám

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!