Bộ trưởng đã lắng nghe dân
(Dân trí) - Việc nâng mức khởi điểm thuế thu nhập cá nhân lên 9triệu đồng/tháng là một tin mừng nhưng điều đáng mừng hơn là thông qua việc làm này, Bộ Tài chính đã biết lắng nghe ý kiến của nhân dân. Điều mà thời gian qua, không phải bộ, ngành nào cũng có được.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, 6 tháng cuối năm 2012, thuế thu nhập cá nhân sẽ có mức khởi điểm là 9 triệu đồng/tháng. Như vậy là sẽ có khoảng 400 ngàn người được miễn thuế thu nhập cá nhân vào thời điểm từ nay đến hết năm 2012. Một mức tăng khá ấn tượng so với quy định 4 triệu đồng/tháng trước đây.
Đó quả là một tin mừng không nhỏ đối với người lao động bởi năm nay kinh tế khó khăn, sản xuất kinh doanh bị trì trệ, đồng tiền mất giá nên số tiền này sẽ góp phần quan trọng vào việc ổn định đời sống của một bộ phận không nhỏ nhân dân. Nhưng có một điều mừng hơn nữa là thông qua việc làm này, Bộ Tài chính đã biết lắng nghe ý kiến nhân dân, điều mà thời gian qua, không phải bộ, ngành nào cũng có được.
Nhớ lại tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, trả lời phỏng vấn báo điện tử Dân trí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã nói: “Tất cả mọi phương án của Luật thuế TNCN đang đặt trên bàn để bàn và Bộ Tài chính vẫn tiếp tục lắng nghe, tiếp tục bàn, để trình thường trực Chính phủ trong tháng 6 tới”.
Thực tình, cứ nghĩ Bộ trưởng Huệ nói vậy thôi và thành thật xin lỗi Bộ trưởng, tôi (và có thể có nhiều người nữa) đã không tin điều đó. Tất nhiên, lỗi không phải chỉ ở phía chúng tôi (người dân) mà còn bởi lâu nay, chúng tôi đã nghe nhiều lời hứa nhưng tiếc thay sau đó không thành hiện thực. Một sự “bất tín” dẫn đến “vạn sự bất tin” cũng là lẽ thường ở đời vậy.
Thế nhưng lần này, Bộ Tài chính đã thực hiện đúng, thậm chí thực hiện hơn điều mà người dân chờ đợi. Theo qui định của Luật, việc tính thuế dựa trên bình quân của tháng trong năm. Thế nhưng lần này, Bộ Tài chính tính theo phương án có lợi cho người dân, đó là sẽ tính riêng thu nhập của 6 tháng tính thuế (đầu năm) và 6 tháng miễn thuế (cuối năm).
Dẫu biết rằng trong điều kiện kinh tế nước ta hiện nay, việc giảm này đã khiến ngân sách nhà nước thiếu đi một khoản tiền lên đến 3.000 tỉ đồng. Đây là con số không nhỏ trong một nền kinh tế khát vốn như Việt Nam.
Bù lại, đời sống của 400.000 người dân sẽ bớt khó khăn hơn, con em họ sẽ được tiếp thêm động lực để đến trường, những gia đình có người ốm sẽ được chăm sóc tốt hơn… Nhưng lớn hơn nữa cả phải kể đến là niềm tin của người dân vào Chính phủ. Một Chính phủ biết nghe, thấu hiểu và tôn trọng ý kiến của nhân dân mới đúng nghĩa là một nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Cách đây không lâu, trong bài phát biểu của mình trước Quốc hội, Đại biểu Dương Trung Quốc từng lo ngại cảnh báo: “Chỉ số lòng tin đối với Chính phủ chưa khi nào được quan tâm tính đến, nhưng chắc chắn không như chúng ta mong muốn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế đó, nhưng theo tôi nguyên nhân đáng quan ngại nhất là năng lực lắng nghe…”.
Lắng nghe dân là điều quan trọng nhất để tạo nên chỉ số niềm tin của Chính phủ. Giá các Bộ như Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo… vừa qua biết lắng nghe ý kiến của nhân dân như Bộ Tài chính thì đã không có những đề xuất như thu phí giao thông, tăng giá điện hay tình trạng tiêu cực ở nhà trường, bệnh viện…
Hi vọng rồi đây, tất cả các bộ, ngành đều có năng lực lắng nghe dân. Khi đó, chắc chắn chỉ số lòng tin của người dân đối với Chính phủ sẽ được cải thiện nhiều, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám
Cám ơn các bạn!