Bỏ phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm?

(Dân trí) - Một điều luật ban hành hơn 10 năm, qua ba nhiệm kỳ Quốc hội mà vẫn chưa đi vào cuộc sống là một sự lỗi hẹn với cử tri. Vì thế, đây có thể coi như một dịp để Quốc hội thực hiện luật do chính mình ban hành.

 
Bỏ phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm?
(Minh họa: Ngọc Diệp)

 

Ngày 23/3 vừa qua, Ủy  ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đề án bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn bao gồm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, Tổng kiểm toán nhà nước. Nếu đề án được chấp thuận, theo mình, đây có thể coi là một sự kiện lớn trong tiến trình không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

 

Mình nói đây là sự kiện lớn bởi mấy lẽ. Thứ nhất, Quốc hội ngày càng thể hiện đúng vai trò, vị thế là “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Hiến pháp 1992). Thứ hai, nó thể hiện tinh thần dân chủ bởi Quốc hội là do dân bầu ra và đại diện cho nhân dân nên quyền lực của Quốc hội chính là quyền lực của nhân dân. Việc bỏ phiếu tín nhiệm chính là thước đo sự tin cậy của nhân dân đối với các chức danh do Quốc hội đại diện cho mình bầu và phê chuẩn.

 

Thứ ba, đây là điều cực kỳ quan trọng. Quốc hội sẽ thực hiện được điều luật do chính mình ban hành cho mình nhưng chưa được một lần thực hiện. Đó là Điều 12, Câu 2 Luật Tổ chức Quốc hội đã qui định: "... Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội hoặc kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội". Nguyên nhân điều luật này chưa đi vào cuộc sống có lẽ là bởi yêu cầu phải có ít nhất hai mươi phần trăm (20%) tổng số đại biểu Quốc hội kiến nghị nhưng lại không có qui định được bàn bạc, trao đổi là rất khó thực hiện. Mặt khác, Đại biểu Quốc hội của ta phần lớn vẫn là hoạt động kiêm nhiệm, rất khó trong việc tiếp cận thông tin. Rồi tâm lý nể nang của người Việt… Tóm lại là có khá nhiều lý do khiến điều luật này chưa đi vào cuộc sống. Nhưng nói gì thì nói, một điều luật ban hành hơn 10 năm, qua ba nhiệm kỳ mà vẫn chưa đi vào cuộc sống là có vấn đề. Vì thế, đây chính là thời điểm để Quốc hội thực hiện điều luật này.

 

Tuy nhiên, mình vẫn còn một số băn khoăn như làm thế nào để đại biểu Quốc hội có nhiều thông tin xác thực để bỏ phiếu một cách chính xác. Rồi cơ chế nào để việc bỏ phiếu tránh nể nang, cảm tính và điều quan trọng là những giải pháp mạnh từ hành lang pháp luật (như Sửa đổi Hiến pháp, các Luật liên quan...) lại chưa có. Bác Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm UB Đối ngoại Quốc hội thì lại băn khoăn nên gọi đúng với bản chất sự việc, tức là bỏ tín nhiệm hay bất tín nhiệm.

 

Các bạn có đồng ý với những băn khoăn của mình và bác Vũ Mão không?

 

 

Bùi Hoàng Tám

 

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
 
Cám ơn các bạn!