Bộ máy “phình to” thì đất nước “thu nhỏ”
(Dân trí) - Góp ý dự thảo các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Thiếu tướng Lê Kế Lâm- Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế Biển TPHCM đề nghị trung ương cần xác định yêu cầu cấp thiết cho nhiệm vụ 5 năm tiếp theo là không để bộ máy “phình to” hơn.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Tướng Lâm nói: “Tinh giản bộ máy Nhà nước là vấn đề được Đảng quan tâm khi trong dự thảo xác định nhiệm vụ trọng tâm là “Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”. Thực chất của chiến lược này đặt ra là làm thế nào để “tinh gọn bộ máy của toàn hệ thống chính trị”.
Tinh giản biên chế được nói ra quá nhiều, và đây cũng là yếu tố cốt lõi để thực hiện cải cách hành chính hiệu quả. Một bộ máy công chức, viên chức và cán bộ đảng, đoàn thể quá cồng kềnh, bất hợp lý nhưng không thể cắt bỏ được. Ai cũng nói đến 30% công chức sáng cắp ô đi tối cắp về, nhưng không làm sao đuổi cổ đám cắp ô ra khỏi cơ quan nhà nước được.
Bộ máy “phình to” thì đất nước “thu nhỏ”. Nhỏ đó là nghèo, là lạc hậu.
Vì có 30% cán bộ cắp ô, cho nên không thể tăng lương. Một là vì không đủ tiền để tăng, hai là chẳng lẽ lấy tiền thuế của dân để tăng cho đám cắp ô? Chỉ khi dẹp được 30% này thì tự khắc lương sẽ được cải thiện. Quan trọng hơn, tinh gọn bộ máy, sử dụng người có năng lực và đạo đức, thì dân nhờ, nước nhờ.
Lâu nay, sắp xếp, tinh giản không thành công là vì chỉ điều chỉnh đôi chút, nếu ở chỗ này bớt vài người thì ở chỗ khác thêm vài người, rốt cuộc cũng chẳng bớt được người nào. Cho nên, cần phải có một cuộc “cách mạng” trong vấn đề tinh giản biên chế, đó là thay đổi cơ cấu nhân sự một cách có hệ thống trên cơ sở mô hình tổ chức chính quyền. Một vấn đề cần đặt ra để nghiên cứu, đó là mô hình chính quyền các cấp hiện nay có phù hợp, khoa học và hiện đại chưa? Nếu chưa thì sắp xếp, tổ chức lại như thế nào?
Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch từng nói, nếu cứ duy trì bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp với tất cả ban bệ hệ thống như hiện nay thì không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này. Nếu không giải quyết được vấn đề này, không thể nghĩ đến việc tăng lương, nâng cao phúc lợi cho người dân.
Thiếu tướng Lê Kế Lâm nhắc lại mô hình 400 quận, huyện của cố Tổng bí thư Lê Duẩn và đề nghị nghiên cứu lại.
Điều quan trọng là cần phải “tư duy lại tư duy”, không thể không có sự cải cách, thay đổi một khi xã hội vận động không ngừng.
Góp ý tinh giản bộ máy nhà nước của Thiếu tướng Lê Kế Lâm và cũng là mong muốn của toàn dân, hy vọng sẽ có sự thay đổi trong nhiệm kỳ tới.
Lê Chân Nhân