Thiếu tướng Lê Kế Lâm: Bộ máy nhà nước chớ để “phình to”!
(Dân trí) - Thiếu tướng Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế Biển TPHCM, nguyên Chuẩn Đô đốc Hải quân Việt Nam, bày tỏ lo ngại khi bộ máy Nhà nước hiện nay không những không tinh giảm mà có dấu hiệu ngày càng phình to.
Vừa sáp nhập đã "mọc" thêm
Góp ý trực tiếp vào dự thảo các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Tướng Lâm đề nghị trung ương cần xác định yêu cầu cấp thiết cho nhiệm vụ 5 năm tiếp theo là không để Bộ máy “phình to” hơn.
Tướng Lâm chia sẻ, đến nay ông đã 55 tuổi Đảng và đã chứng kiến những bước thay đổi trong cải cách, tinh giản bộ máy qua hai thập kỷ. Là một Đảng viên, ông tự cho bản thân không thể đứng ngoài cuộc khi nhìn thấy những vấn đề bất cập đang tồn tại.
“Tinh giản bộ máy Nhà nước là vấn đề được Đảng quan tâm khi trong dự thảo xác định nhiệm vụ trọng tâm là “Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”. Thực chất của chiến lược này đặt ra là làm thế nào để “tinh gọn bộ máy của toàn hệ thống chính trị”, tướng Lâm nói.
Cũng theo Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, dư luận thời gian qua đã lo ngại khi bộ máy của ta hiện nay không những không giảm mà ngày lại “phình to” hơn. Sáp nhập được Bộ, Vụ, Cục… này thì lại “mọc” thêm một số Tổng Cục, Cục, Vụ khác cũng có biên chế tương đương, chỉ khác tên gọi hoặc chức quyền của các vị phụ trách các cơ quan đó.
Theo Tướng Lâm, nếu Đảng và Nhà nước không quyết tâm tìm giải pháp khoa học hợp lý để tinh gọn biên chế thì trong một vài thập kỷ nữa, gánh nặng chi thường xuyên cho hệ thống quản lý của ta sẽ vô cùng lớn, tiềm lực kinh tế có phát triển đến đâu cũng không kham nổi.
Gợi ý về giải pháp cho thực trạng trên, Thiếu tướng Lê Kế Lâm đề đạt nên thành lập “Ban cải cách tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước”. Ban này phải do Ban Chấp hành Trung ương Đảng quản lý, điều hành thì mới có kết quả, vì đây là một quyết sách hết sức quan trọng, không qua nhiều tầng nấc mà lại có thực quyền. Còn phương thức hoạt động như thế nào, Ban này sẽ bàn cụ thể.
Đối với tổ chức bộ máy ở địa phương, Tướng Lâm gợi ý nên tổ chức “Bộ máy chính quyền địa phương” theo 3 hoặc 2 cấp. Bộ máy theo 3 cấp như hiện nay thì đã có vai trò lịch sử của nó và trên thế giới cũng có nhiều nước đã, đang áp dụng. “Chúng ta nghiên cứu nên áp dụng theo hình thức nào để tránh được xáo động lớn và cũng hợp với thói quen, tâm lý người dân, tạo được nhiều việc làm cho nhân dân thì cần được ưu tiên”, Tướng Lâm nói.
Về mô hình biên chế hiện nay, Tướng Lâm cho rằng gánh nặng về biên chế rất nặng nề. Chi thường xuyên cho lương bổng cả đương chức và nghỉ hưu rất lớn. Trang thiết bị phục vụ bộ máy này vận hành cũng rất lớn. Việc bảo đảm phương tiện đi lại của đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức cũng không nhỏ. Chi cho giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức và các khoản chi bất thường khác cũng là những khoản chi không hề nhỏ khi đội ngũ nhân sự “phình to” như hiện nay.
“Nếu cứ giữ mô hình tổ chức như hiện nay mà muốn tinh gọn là hết sức khó khăn. Vì không giảm được đầu mối tổ chức thì không thể giảm được biên chế, chỉ có điều chỉnh qua lại, bớt chỗ này một tý, giảm khâu kia một ít, rồi khi vận hành cũng khó kham nổi…”, nguyên Chuẩn Đô đốc Hải quân Việt Nam phân tích.
Bày tỏ băn khoăn về các khoản chi gây thất thoát ngân sách không đáng có, Thiếu tướng Lê Kế Lâm đề nghị nên giảm bớt một cách hợp lý các Hội nghị, chương trình thăm quan… để tập trung tối đa vào giải quyết thực tế các công việc của từng cấp, sử dụng “Chính phủ điện tử” chính xác, bảo mật cao và an toàn trong điều hành theo đa tuyến (dọc, ngang, chéo, vượt cấp) nhưng phải bảo đảm không bỏ lọt thông tin cho tất cả các cấp.
Mô hình 400 “pháo đài thép” của Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
Tướng Lê Kế Lâm bày tỏ ấn tượng với mô hình cải cách thời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ông cho biết, sau Đại hội IV của Đảng, Tổng Bí thư đã đề ra chủ trương cả nước xây dựng độ 400 quận/huyện thành những đơn vị hành chính tổng hợp có năng lực sản xuất kinh tế, điều hành xã hội và năng lực quốc phòng an ninh hùng mạnh. Đây là 400 “pháo đài thép” không thể công phá.
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã cho sáp nhập các tỉnh lại thành những tỉnh lớn như: Hà – Nam – Ninh, Bắc – Hưng – Hải, Vĩnh – Phú, Nghệ – Tĩnh, Nam – Ngãi, Phú – Khánh, Bình – Trị – Thiên,… Cố Tổng Bí thư không đề cập cấp phường – xã, mà phường xã là những đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ cơ bản.
“Tôi rất mong muốn Đảng ta nên nghiên cứu lại tư duy lớn này của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Thực hiện được mô hình này sẽ giảm được trên 1/3 tổng biên chế nhân sự, việc quản lý điều hành sẽ nhanh, nhạy, hiện thực hơn, tiềm lực mọi mặt của đất nước sẽ được nâng lên nhất là khi đất nước bị ngoại xâm đe doạ”, Tướng Lâm chia sẻ.
Công Quang