Blogger Tabitha "thách đố" độc giả Việt
(Dân trí) - Sau bài viết đầu tiên gặp nhiều phản ứng <a href="http://dantri.com.vn/c702/s702-512289/meu-do-vi-khong-biet-an-thit.htm">dữ dội</a>, blogger Tabitha người Australia đã đưa ra lời "thách đố" độc giả Việt Nam tham gia vào những cuộc thảo luận cởi mở, tích cực hơn.
Cái nhìn của họ mang lại một cảm nhận độc đáo về một đất nước mà tôi đã tưởng mình biết hết mọi điều. Những thứ quá quen thuộc với người Australia trở nên đáng chú ý và mới mẻ qua con mắt của một người nước ngoài. Giữa những câu chuyện đó, tôi thấy mình thường xuyên thốt lên: "Tôi chưa bao giờ nhìn nhận theo cách đó!".
Một người bạn Việt Nam kể với tôi về trải nghiệm của anh khi làm một sinh viên ở Australia và đi hái quả để kiếm thêm thu nhập trong những kỳ nghỉ. Công việc này thường chỉ có người nước ngoài làm vì hầu hết người Australia, trong đó có tôi, cho rằng nó quá nặng nhọc, và điều kiện làm việc quá khắc nghiệt so với mức thu nhập. Nhưng khuôn mặt anh bạn tôi sáng ngời khi hồi tưởng về những kỷ niệm ở vùng thôn dã bang New South Wales, thu hái quả anh đào.
Trở lại Hà Nội, anh nói anh thường mơ về những khu vườn trĩu quả và những người bạn mà anh đã quen ở đó, và rằng đó là một trong những trải nghiệm Australia tuyệt vời nhất của anh.
Nghe anh nói, tôi nhận ra rằng quan điểm của anh hoàn toàn đúng đắn. Anh biết rõ hơn người Australia về việc làm thế nào tận dụng tốt nhất trải nghiệm Australia, có lẽ chính là vì anh đến từ Việt Nam, nơi mà sự lãng mạn của cuộc sống đồng quê chảy sâu trong nền văn hóa.
Một người bạn Việt Nam khác kể với tôi rằng hồi đi học ở Melbourne, anh đã thử sống với một gia đình Australia, nhưng nó quá khó khăn, và rốt cuộc anh phải dọn ra và thuê một căn hộ riêng.
Sự khó khăn nằm ở cách tiếp cận của gia đình Australia với việc dùng bữa. Anh tả lại, với những lời lẽ chỉ trích mạnh mẽ, cách gia đình này ăn tối trong khi ngồi trên những chiếc sofa và xem TV, với đồ ăn đặt trên đùi. Anh không thể chịu nổi điều đó.
Đây đúng là cách ăn tối khá điển hình của nhiều gia đình Australia, nhưng bạn tôi nói rằng người Việt quen thuộc hơn với cách dùng bữa chung, cùng ngồi trên sàn nhà, cả gia đình quây quần chia sẻ thức ăn cũng như những câu chuyện, và đó là cách ăn tốt hơn. Vì thế anh quyết định chuyển nhà thay vì tập thích nghi theo thói quen của "nước chủ nhà".
Mặc dù là người Australia, và biết rõ hơn nhiều so với anh về những thói quen ăn uống của người Australia, tôi vẫn đồng ý với bạn tôi. Qua con mắt anh tôi có thể thấy cách gia đình này tỏ ra phản xã hội thế nào so với những gì anh đã quen thuộc ở Việt Nam. Theo ý kiến tôi thì, anh đã đúng khi nói rằng người Australia có thể học được rất nhiều từ cách dùng bữa trong gia đình của người Việt.
Giá trị của sự trao đổi văn hóa này khiến tôi nghĩ: Những người Việt mà tôi tiếp xúc ở đây có tiếp nhận được một cái nhìn mới về đất nước của chính họ thông qua con mắt của người nước ngoài, giống như tôi đã từng trải nghiệm? Cho dù họ đồng ý hay bất đồng với quan điểm của tôi, họ có cho rằng tôi có thể đóng góp gì đó vào sự hiểu biết của họ đối với quê hương họ?
Câu trả lời, tôi xin lỗi phải nói, hầu hết là không. Hết lần này đến lần khác tôi được bảo: "Bạn không hiểu" hoặc "Đó không phải là cách làm ở đây" hoặc "Bạn không biết cách làm".
Tôi là một người nước ngoài, nên tôi sẽ không bao giờ hiểu Việt Nam như một người Việt Nam, nhưng điều đó có ngay lập tức triệt tiêu giá trị của bất cứ sự đóng góp nào tôi có thể đưa ra? Nếu tôi làm các việc theo cách khác hoặc lý giải các tình huống một cách khác biệt so với một người Việt, điều đó có nghĩa là tôi dốt nát, ngớ ngẩn, sai, hay đơn giản là khác biệt? Và việc nghe một quan điểm khác biệt chẳng nhẽ ít nhất không phải là thú vị, cho dù bạn có không đồng tình với nó?
Tôi có nên nói với người bạn Việt thích thú với việc hái quả ở vùng quê rằng: "Anh chẳng hiểu gì vì anh không phải người Australia. Ở Australia chẳng ai đi làm việc đó. Có những việc tốt hơn nhiều mà anh chắc chắn sẽ thích hơn"? Tôi có nên nói với người bạn thích cách ăn của mình hơn là cách của Australia rằng: "Anh chẳng biết cách thực hiện cho đúng. Anh không hiểu văn hóa Australia nên anh mới không thích. Anh nên tìm hiểu thêm về Australia trước khi phán xét như thế"?
Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu mọi ý kiến, sở thích và thói quen của bạn bị coi là vô nghĩa và vô giá trị chỉ bởi vì bạn mới chuyển tới một đất nước nào đó? Chẳng lẽ bạn không muốn đóng một vai trò tích cực hơn vào xã hội mới của mình, hơn là làm một đứa trẻ câm lặng không hiểu điều gì đang diễn ra xung quanh và không có quyền nêu ý kiến?
Sống ở Việt Nam, tôi đã luôn giữ một thái độ cởi mở đối với những giá trị mới, tôn trọng những sự khác biệt về văn hóa, và đã học hỏi được rất nhiều nhờ luôn tò mò về những quan điểm và trải nghiệm mới lạ. Tôi vẫn còn rất nhiều thứ để học, nhưng mỗi lần tôi nghe câu "Bạn chẳng hiểu gì hết!", tôi lại nghĩ tới một bộ óc đóng chặt, không giúp đỡ. Chẳng phải trao đổi văn hóa, theo chính định nghĩa của nó, là một con đường hai chiều?
A.H dịch