Biện pháp "hạ nhiệt" giá xăng dầu
(Dân trí) - Cách khả thi nhất để giữ cho giá xăng không vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít là giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT.
Giá xăng dầu đang trở thành câu chuyện thường trực trong đời sống xã hội thời gian này. Bình quân 5 tháng đầu năm nay, giá xăng dầu tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước; giá gas trong nước biến động theo, cũng tăng khoảng 26,5%.
Theo tính toán, khi giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ làm cho lạm phát nhích lên 0,36%. Như vậy, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm 2022 ở mức 2,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tác động của tăng giá xăng dầu. Hiện giá một lít xăng đã vượt ngưỡng 30.000 đồng, là mức kỷ lục trong nhiều năm qua. Việc giá xăng dầu tăng và đứng ở mức cao sẽ gây nên áp lực lạm phát, có thể tạo mặt bằng giá mới cao hơn của nền kinh tế. Với nhiều người dân, những ngày này có lẽ phần nào đã cảm nhận được áp lực của tăng giá, nhất là các bà nội trợ, từ chi phí đi lại cho đến sinh hoạt trong gia đình.
Hiện xăng dầu sản xuất nội địa chỉ chiếm từ 70 - 75% tổng nguồn cung cả nước. Chúng ta phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu dầu thô nên biến động giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá thế giới. Do vậy, Bộ Công Thương cần nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn.
Ngành Công Thương cũng cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, giá bán được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, tôi cho rằng Bộ Tài chính cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và các loại thuế, phí nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các bên. Qua đó, đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, giảm áp lực lạm phát từ xăng dầu và hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh.
Trong cơ cấu giá cơ sở xăng, dầu, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang có 4 loại thuế, gồm: Thuế giá trị gia tăng 10%; thuế nhập khẩu 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường. Ngoài ra, giá mỗi lít xăng còn phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, trích lập Quỹ bình ổn và lợi nhuận của doanh nghiệp. Vừa qua, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã được giảm 50%, thời gian từ 1/4 đến hết ngày 31/12. Tuy nhiên, theo tính toán, tổng các khoản thuế, phí chiếm 44% giá thành bán ra của một lít xăng RON 95.
Trong điều kiện hiện nay, tôi cho rằng các cấp có thẩm quyền nên tính toán giảm thuế đánh vào xăng, dầu nhằm kiểm soát giá mặt hàng này không vượt ngưỡng cao. Đây chính là biện pháp thiết thực góp phần thúc đẩy chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà Chính phủ đang triển khai. Cách khả thi nhất để giữ cho giá của mặt hàng chiến lược này không vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít là giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT. Khi giá dầu thế giới chững lại, chúng ta có thể áp dụng trở lại như bình thường.
Việc giảm thuế đối với xăng dầu không làm giảm thu ngân sách nhà nước mà chỉ thay đổi cơ cấu thu. Cụ thể, thu từ các loại thuế đánh vào xăng dầu sụt giảm, nhưng biện pháp này sẽ giữ ổn định sản xuất của nền kinh tế, thu ngân sách từ thuế sản xuất, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác gia tăng sẽ bù đắp và vượt phần hụt thu từ giảm thuế xăng dầu.
Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia cũng đã và đang tìm cách hãm đà tăng của xăng, dầu thông qua các biện pháp giảm thuế, phí. Đơn cử Chính phủ Thái Lan đã cắt giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel trong 3 tháng, sử dụng Quỹ dầu để bình ổn mặt hàng này ở mức 30 baht/lít; Ấn Độ cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt liên bang đối với xăng và dầu diesel; còn Hàn Quốc thì giảm 20% thuế xăng dầu cho tới cuối tháng 7…
Lạm phát năm 2022 dự báo trong khoảng 4-4,5%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra nhưng là mức thấp trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao. Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan, cần chủ động và quyết liệt thực hiện các biện pháp để đạt được mục tiêu đề ra, trong đó có biện pháp cần thiết với giá xăng dầu.
TS. Nguyễn Bích Lâm nguyên là Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Hiện tại, ông thường xuyên có những ý kiến đóng góp cho công tác điều hành trên góc độ một chuyên gia về lĩnh vực thống kê.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!