Bệnh "sợ trách nhiệm" và tư duy "nhiệm kỳ giữ ghế"
(Dân trí) - Trong dòng chảy của lịch sử và yêu cầu của sự phát triển xã hội, không có chỗ cho tư duy bình quân chủ nghĩa hay "nhiệm kỳ giữ ghế".
"Có những người khi thực thi nhiệm vụ, dù biết là đúng căn cứ, đúng quy định pháp luật nhưng vẫn sợ và không dám quyết định các vấn đề, chỉ vì để đảm bảo an toàn cho bản thân", đại biểu Quốc hội Hoàng Anh Công đau đáu.
Đại biểu Công gọi đó là căn bệnh "sợ trách nhiệm". Căn bệnh này không mới mà đang có nguy cơ lây lan một cách âm thầm, len lỏi vào trong đội ngũ cán bộ và trong không ít người. Căn bệnh này nếu không kê đúng thuốc để "điều trị" sớm, sẽ là mối nguy hại cho sự phát triển của đất nước.
Căn bệnh trầm kha này cũng đã từng được Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ trong thời gian ông giữ chức Thủ tướng Chính phủ: "Cứ ngại trách nhiệm, cứ sợ trách nhiệm, cứ né trách nhiệm... thì làm sao xã hội phát triển, đất nước phát triển được?".
Lo lắng của đại biểu Hoàng Anh Công không phải là không có cơ sở, bởi cái nguy hại của căn bệnh sợ trách nhiệm là thấy đúng không dám làm, thấy sai không dám đấu tranh và vô cảm với nhân dân.
Trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành, vai trò lãnh đạo và trách nhiệm của người đứng đầu, của đội ngũ cán bộ từ Trung ương xuống cơ sở được thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Nhìn ở khía cạnh tích cực thì đây là cơ hội để thực hiện một phép thử về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo đối phó với dịch bệnh cũng như ổn định xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế ở các địa phương.
Trong khó khăn, gian khó bủa vây, tinh thần chủ động ứng phó, linh động và linh hoạt khi triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tự chịu trách nhiệm chính là nhân tố quyết định và tích cực đóng góp vào sự thành công trong thực hiện "nhiệm vụ kép".
Dấu ấn của những người dám làm, quyết tâm làm, thực sự gần dân, thấu hiểu và lo cho dân tại các điểm nóng của dịch như Bắc Giang, TPHCM, Đồng Nai... là minh chứng rõ ràng nhất về tính chịu trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trước nhân dân, trước nhiệm vụ được giao. Họ sẵn sàng "xé rào" để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, không màng tới an nguy và con đường chính trị của bản thân.
Cũng từ thực tế nghiệt ngã chống dịch này, cán bộ nào xa rời dân, chỉ khư khư "giữ ghế" cũng được nhìn thấy một cách rõ ràng nhất. Có nơi, có trường hợp không dám vận dụng mà phải "đúng quy trình" và "chờ ý kiến cấp trên" trong lúc "nước sôi lửa bỏng" vì sợ sai, sợ va chạm, sợ kỷ luật hay nói cách khác là sợ ảnh hưởng đến bản thân.
Không chỉ trong công tác phòng, chống dịch, mà trong lãnh đạo, điều hành kinh tế, xã hội ở địa phương, không thiếu những nơi vai trò của người đứng đầu còn mờ nhạt. Có những trường hợp hầu như không có sự đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo, "tất cả bình bình" đến hết nhiệm kỳ công tác.
Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là phẩm chất cần có của một người cán bộ, và cũng là điều người dân mong đợi. Tháng 9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Tất nhiên, không phải sự đổi mới nào cũng đúng tuyệt đối, cũng đạt được kết quả như mong muốn, kỳ vọng nhưng nếu không mạnh dạn, không can đảm, không dám làm, sẽ không bao giờ có kết quả.
Ngày 3/11, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định 41-QĐ/TW về xem xét miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ uy tín giảm sút, có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu tín nhiệm... Như thế để thấy rằng, nếu không đủ tín nhiệm, không đủ năng lực, không dám đột phá, không thực sự ghi dấu ấn trong nhiệm kỳ, cán bộ, công chức sẽ bị "đào thải".
Cơ chế bảo vệ, khuyến khích đã có, quy chế xử lý vi phạm cũng đã rõ ràng, điều cốt lõi là người cán bộ, người đứng đầu có bản lĩnh chính trị, phải thực sự dám nghĩ, dám làm, dám đột phá và dám chịu trách nhiệm. Trong dòng chảy của lịch sử và yêu cầu của sự phát triển xã hội, không có chỗ cho tư duy bình quân chủ nghĩa hay "nhiệm kỳ giữ ghế".