Bằng cấp, học vấn rẻ mạt đến thế rồi ư?!

(Dân trí) - Chỉ trong 0,29 giây, khoảng 146 triệu kết quả cho từ khoá “bán bằng đại học” đã được tìm thấy thông qua công cụ tìm kiếm của Google. Chỉ một thao tác rất đơn giản, nhưng người viết đã tìm ra hàng loạt những website cung cấp dịch vụ này.

Bằng cấp, học vấn rẻ mạt đến thế rồi ư?! - 1

Ngay kết quả đầu tiên đã cho ra thông tin “dịch vụ làm bằng đại học 3 triệu không cần đặt cọc”. Có những nơi, giá của một tấm bằng đại học (kèm luôn bảng điểm) chỉ 2 triệu đồng với cam kết “giá rẻ” nhưng “hiệu quả”, “chất lượng bằng tuyệt đối” thông qua “kinh nghiệm nhiều năm” của người bán. Các dịch vụ làm bằng giả đều có trang web, số điện thoại, email để trực tiếp liên hệ giao dịch.

Ngao ngán thực sự, thưa các độc giả!

Biết bao thanh niên trầy trật thi cử rồi lại bỏ ra hàng 4-5 năm liền trên giảng đường đại học, chưa chắc đã đủ tiêu chí để ra trường. Bao bà mẹ nông thôn bán khoai, bán lúa, phấn đấu cho con trở thành cử nhân, có cơ hội đổi đời.

Bao bạn trẻ sáng giảng đường, chiều làm xe ôm, Grap thuê kiếm tiền trang trải học phí… Thế rồi, cơ hội nghề nghiệp của những bạn trẻ với sự nhiệt huyết và tâm hồn trong sáng ấy có thể sẽ bị đánh rớt vì những “tấm bằng giả” kia.

Thật chưa bao giờ giá trị của bằng cấp và học vấn lại trở nên rẻ mạt đến như vậy! Mà “rẻ mạt” cũng phải thôi, vì ở ta vẫn còn lưu truyền câu ca tuyển dụng “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ…” rồi tít mù tiêu chí cuối cùng mới là “trí tuệ”. Bảo sao, bằng cấp chỉ mang tính thủ tục, hình thức chiếu lệ để hợp thức hoá mà thôi.

Cho nên, gần đây có chuyện xôn xao nữ Trưởng phòng Tỉnh uỷ xinh đẹp sử dụng bằng của chị gái đến thăng tiến. Mới học hết cấp hai nhưng lại sử dụng bằng cấp 3 của chị để làm việc tại các đơn vị trực thuộc Tỉnh uỷ.

Chuyện đáng bàn ở đây là với tấm bằng đi mượn ấy, cô gái này còn học trung cấp tại chức, rồi học đại học từ xa và sau đó còn học lên thạc sĩ. Một quy trình tiến thân hoàn hảo, thật mà cứ như trong tiểu thuyết!

Những vấn đề “nâng đỡ không trong sáng” hay trách nhiệm của bộ phận xác minh lý lịch, nhân thân đã được bàn đến nhiều. Ở đây người viết chỉ băn khoăn không hiểu các đơn vị cấp bằng cho cô gái kia sẽ nói gì về chất lượng của những tấm bằng cử nhân, rồi đầu vào thạc sĩ? Nếu họ cam kết “đảm bảo chất lượng”, “chất lượng là thật” thì phải nói là cô kia quá giỏi!

Với nền tảng kiến thức của học sinh cấp trung học cơ sở mà “vừa làm vừa tu dưỡng” để học đến trình độ thạc sĩ. Giả như vụ việc không vỡ lở ra, hẳn cô còn tiến xa hơn nữa trên con đường học vấn. Bái phục!

Mà chẳng phải cô gái xinh đẹp ở Đắk Lắk kia mới dùng bằng giả, xem ra bằng giả dường như đã trở thành một thứ “mốt” của không ít cán bộ, quan chức.

Cách đây ít ngày, loạt cán bộ xã ở Cẩm Dương (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cũng mới bị cách chức, buộc thôi việc vì dùng bằng giả thăng tiến. Trước đó, năm 2018, Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ Chư Sê ở Gia Lai cũng bị cách hết chức vụ trong Đảng vì dùng bằng đại học giả; Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) bị kỷ luật cách hết chức vụ trong Đảng do dùng bằng THPT không hợp pháp. Vân vân và vân vân.

Cũng có những người chẳng cần phải dùng đến bằng giả, không hiểu học vào thời gian nào thế rồi vẫn có “bằng thật”.

Nên xem ra cái chuyện bằng cấp ở ta cũng không hẳn đã là vì ham “danh hão”, là “sính bằng” hay “vô bổ”, mà hoá ra gắn với quyền và lợi ích sát sườn, ấy là nghề nghiệp, là bạc tiền, là chức tước.

Nay còn thêm chuyện tranh luận dự thảo mới có nên ghi loại hình đào tạo hay xếp loại vào bằng tốt nghiệp hay không. Từ thực tế ở trên thấy rõ rằng, việc xếp loại giỏi-khá-trung bình đã chẳng còn là vấn đề quan trọng khi mà sự giả dối, sự dối trá (“học giả”, “bằng giả” và “thi tuyển giả”) trở nên bình thường trong xã hội.

Bích Diệp