Bác sĩ “Kinh - Công” và những cửa hàng “cơm bún phở”, “miến cháo mỳ”

(Dân trí) - Tất nhiên về pháp lý, người dân có quyền làm những việc pháp luật không cấm nên những ý kiến trên chỉ là góp ý chứ không phản bác. Song với cá nhân, không biết các bạn thế nào, còn mình, nếu phải giao tính mạng vào tay một “bác sĩ Kinh - Công”, đào tạo từ lò “cơm – bún – phở” thì quả thật, mình cũng… hoảng!


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Cụm từ “bác sĩ Kinh - Công” mới có tuổi đời chưa đầy 1 năm. Cuối tháng 11/2015, trường Đại học Kinh doanh – Công nghệ được phép của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Y tế đồng ý cho mở ngành Y đa khoa và Dược trình độ đại học.

Khi đó, nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình, có nhà báo đã hài hước gọi đây là trường đào tạo ra các bác sĩ… “Kinh - Công” (gọi tắt từ Kinh doanh - Công nghệ). Trước sự lo ngại của dư luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải vào cuộc, yêu cầu thẩm định.

Lý do mà việc cho phép trường Đại học Kinh doanh – Công nghệ không được dư luận đồng tình là bởi hiện đang có nhiều trường đại học đào tạo lĩnh vực này như Đại học Y Hà Nội, ĐH Y TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Huế, Cần Thơ… Đó là chưa kể các trường thuộc lực lượng vũ trang. Nếu cung chưa đáp ứng cầu, hoàn toàn có thể đầu tư, nâng cấp cho các cơ sở trên.

Mặt khác, những trường có truyền thống lâu đời và uy tín như Đại học Y Hà Nội hay Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh luôn là niềm mơ ước của hàng triệu học sinh các thế hệ.

Việc cho một trường đại học “trái tuyến”, không có nhiều uy tín “cạnh tranh” với các trường đại học Y danh tiếng hiện nay vừa thiếu thực tế, vừa… bất công! Đành rằng vẫn còn nhiều điều phải bàn trong khâu đào tạo nhưng khó có thể “bằng vai phải lứa” giữa một trường đại học tuyển sinh đầu vào 27 – 28 điểm (9 điểm/môn vẫn… trượt) với trường tuyển sinh dự kiến đầu vào như công bố ban đầu là 18 điểm.

Đành rằng việc đào tạo đa ngành là xu hướng của nhiều trường đại học lớn tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, nó lại không phù hợp với những nền giáo dục đang phát triển mà giáo dục Việt Nam nằm trong số đó.

Vì thế, việc cho trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ đào tạo ngành Y sẽ là tiền lệ, trường này mở được, trường kia cũng mở được từ đó dễ tạo lên sự hỗn loạn, biến hệ thống đại học như “chợ thập cẩm”, các trường sẽ dần xa rời tôn chỉ mục đích mà thiếu chuyên sâu. Đặc biệt là với ngành y, liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người.

Năm nay, ngay khi nhà trường thông báo điểm tuyển sinh, Bộ GD&ĐT yêu cầu trường dừng lại. Lý do, theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, việc nhà trường đăng thông tin tuyển sinh ngành Y đa khoa là trái quy định, vượt cấp khi chưa có ý kiến chính thức của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế.

Có thể rồi đây, sau khi đáp ứng những yêu cầu tối thiểu theo qui định, nhà trường vẫn được tuyển sinh theo đúng luật.

Song, là nơi đào tạo ra các nhà kinh doanh, chắc chắn họ hiểu rằng “cung” là một chuyện, thị trường có chấp nhận hay không lại là chuyện khác như lời của Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường: “Khi thi và vượt qua kỳ thi rồi mới được cấp chứng chỉ hành nghề thì mọi chuyện sẽ rõ ràng. Chắn chắn sẽ “lòi” ra một cơ số những người không làm được việc. Còn bây giờ cho các trường đào tạo, các trường chấm điểm, các trường cấp bằng thì sinh viên nào cũng đạt”.

Đây là một thực tế rất đáng suy nghĩ bởi một khi “các trường đào tạo, các trường chấm điểm, các trường cấp bằng” thì không còn là vừa đá bóng, vừa thổi còi mà còn vừa… trưởng ban tổ chức thi đấu.

Vả lại, người xưa đã đúc kết “Một nghề cho chin còn hơn chín nghề” hay “Một nghề ăn cơm tám, tám nghề ăn cám rang”. Chi bằng nhà trường hãy tập trung toàn lực đào tạo theo đúng thương hiệu, “nhất nghệ” cho “tinh”, may ra mới có “nhất thân vinh”.

Tham lam, ôm đồm kiểu “cơm bún phở” lỡ ra cơm khê, phở nát, bún chua… Thực tế cho thấy, những nhà hàng kinh doanh “thập cẩm” không bao giờ trở thành thương hiệu có tên, có tuổi.

Những người sành ăn không bảo giờ vào nhà hàng “cơm bún phở”. Thậm chí, ăn phở bò đến quán chuyên phở bò, ăn phở gà đến quán chuyên gà. Có những nhà hàng tuy cũng bán phở bò nhưng chỉ bán phở tái mà không có phở chín và ngược lại. Thời “bách hóa tổng hợp” kiểu “cơm bún phở”, “miến cháo mỳ” đã qua...

Tất nhiên, về pháp lý, người dân có quyền làm những việc pháp luật không cấm. Những ý kiến trên chỉ là góp ý chứ không phản bác. Song, với cá nhân, không biết các bạn thế nào, còn mình, nếu phải giao tính mạng vào tay một “bác sĩ Kinh - Công”, đào tạo từ lò “cơm – bún – phở” thì quả thật, mình cũng… hoảng!

Hay là sau này, mỗi khi đi khám chữa bệnh lại phải “nhớ hỏi người khám cho mình bác sĩ tốt nghiệp trường nào” như ý kiến của một bạn đọc gửi về cho Dân trí hả các bạn?

Bùi Hoàng Tám