Bác sĩ có quyền từ chối mổ dịch vụ

(Dân trí) - Vụ bác sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện phụ sản Trung ương từ chối mổ cho một bệnh nhân được cho là nhà báo trở thành sự kiện sốt trên các kênh truyền thông. Người bênh vực, người chê trách, nhưng chân lý thì chỉ có một.

(Ảnh minh họa - Ngọc Diệp)

(Ảnh minh họa - Ngọc Diệp)

Cần có cái nhìn bình tĩnh, khách quan để nhìn sự việc đúng bản chất của nó.

Như bác sĩ Quyết trình bày thẳng thắn trước báo chí, ông đã khám cho bệnh nhân Tr, tư vấn cho bệnh nhân mổ theo bảo hiểm y tế. Còn muốn mổ dịch vụ thì vào khám ở tầng 1 tòa nhà D khoa Điều trị theo yêu cầu của bệnh viện. Khi bệnh nhân Tr yêu cầu bác sĩ Quyết mổ, ông từ chối vì ông rất bận. Ông có nhiều bệnh nhân nặng hơn, chờ cấp cứu và họ cần ông hơn. Bệnh của bệnh nhân Tr không phải trường hợp cấp cứu.

Bác sĩ không có quyền từ chối mổ cấp cứu bệnh nhân, đó là điều không có gì bàn cãi. Nhưng trong trường hợp mổ dịch vụ, bệnh nhân bỏ tiền “thuê” bác sĩ mổ cho mình, bác sĩ cũng có quyền từ chối. Bà Phạm Thanh Bình, Phó văn phòng Bộ Y tế trả lời trên Tuổi Trẻ ngày 25.3, đây là dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu và bác sĩ có thể từ chối không phẫu thuật cho bệnh nhân.

Bác sĩ Quyết giải thích thêm: “Nếu ai cũng đòi tôi thực hiện ca mổ thì làm sao tôi đủ sức, nhất là khi còn phải gánh vác trách nhiệm quản lý ở một bệnh viện lớn như Bệnh viện phụ sản Trung ương. Đó là chưa nói đến độ an toàn cho người bệnh khi bác sĩ phải thực hiện quá nhiều ca mổ trong một thời gian”.

Hằng ngày, có nhiều bệnh nhân mổ dịch vụ, yêu cầu bác sĩ tên tuổi mổ cho mình, nhưng có không ít trường hợp bệnh nhân bị từ chối vì bác sĩ bận hoặc vì nhiều lý do khác, nhưng không có chuyện ồn ào. Còn trong trường hợp này, thành to chuyện vì bệnh nhân tố cáo bác sĩ từ chối vì mình là nhà báo. Chuyện này có hay không?

Bác sĩ Quyết cho biết ông từ chối mổ bệnh nhân Tr trước khi ông biết cô là cộng tác viên cho một tờ báo. Nhưng ông cũng chân thành kể lại rằng, ông từng bị tờ báo này gài bẫy, cho người mời ông đi mổ dịch vụ, sau đó đăng bài nói ông mổ với giá cắt cổ. Cho nên, khi bệnh nhân Tr nói cô làm việc ở tờ báo đó, ông mất cảm tình và sợ bị gài bẫy lần nữa.

Điều mà bác sĩ Quyết nói ra cho thấy ông không nói từ chối mổ vì bệnh nhân là nhà báo, ông không “tẩy chay” nhà báo như nhiều ý kiến xôn xao trên mạng. Ông chỉ nói lại câu chuyện xảy ra giữa ông với một tờ báo.

Về mặt chuyên môn, khi tâm trạng không tốt, không nên mổ vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng ca mổ, không tốt cho bệnh nhân. Từ chối cũng là vì sức khỏe của bệnh nhân, để bệnh nhân chọn bác sĩ khác. Về điểm này, bác sĩ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho biết: “Trong trường hợp bác sĩ sợ hãi (ví dụ bị đe dọa) cũng có quyền từ chối bởi khi tâm lý không ổn định, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, làm xấu đi tình trạng bệnh nhân. Đối với trường hợp khám chữa bệnh dịch vụ, bác sĩ cũng có thể từ chối nếu không có thời gian, hoặc tâm lý không ổn định, sợ hãi”.

Câu chuyện bác sĩ Quyết từ chối bệnh nhân Tr thiết nghĩ nên khép lại.

Lê Chân Nhân


BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!