“Bác bảo đúng, bác bảo sai – Chúng em ở giữa nghe ai bây giờ?”

(Dân trí) - Mùa Covid 19, văn vẻ chút cho đỡ căng thẳng, còn cái hiện tượng này, dân gian nói rất hay và rất ngắn gọn là “ông nói gà, bà nói vịt”, thậm chí chỉ có 4 từ là “ông chẳng, bà chuộc”.

“Bác bảo đúng, bác bảo sai – Chúng em ở giữa nghe ai bây giờ?” - 1

Khổ nhất và khó nhất của thân phận nhân viên, đấy là ở cơ quan, các sếp không có sự “thống nhất chỉ đạo”. Cùng một sự việc, bác bảo đúng, bác bảo sai, bác bảo được, bác bảo không khiến nhân viên ngơ ngác, không biết đâu đúng, đâu sai, nghe bác này thì sợ bác kia mất lòng, phật ý…  

Trong khi ở ta, cái tư tưởng “thần dân” vẫn còn không ít thì sếp là “đèn giời soi xét”. Để sếp mất lòng, phật ý thì nói như ngôn ngữ thời covid là “nguy cơ cao”.

Rào đón thế để nói về hai vụ việc vừa xảy ra xung quanh câu hỏi: Có được thu tiền dạy học qua online hay không?Trên báo Dân trí ngày 16.3 cho biết, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu nhà trường không thu bất cứ khoản tiền nào của học sinh, phụ huynh khi tổ chức học online, kể cả việc ban đại diện cha mẹ học sinh huy động sự đóng góp của phụ huynh hỗ trợ cho nhà trường, giáo viên.

Một ngày sau đó (17.3), trả lời báo chí, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT lại cho rằng đối với các dịch vụ hỗ trợ học online và hướng dẫn học trong thời gian nghỉ dịch, phụ huynh học sinh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau không tính bù vào chương trình học và thu học phí thêm.

Trả lời câu hỏi “Việc thu phí để dạy và học online gần như chưa có tiền lệ, vậy các trường công lập và tư thục cần phải thu thế nào cho đúng? Bộ có hướng dẫn hoặc có lưu ý gì về các quy định này?”.

Ông Khánh nói: “Do đây là dịch vụ thỏa thuận nên việc thu hay không tùy thuộc vào các trường và phụ huynh thỏa thuận với nhau, trên cơ sở có chi phí hợp lý nhất để triển khai các dịch vụ này”.

Tóm lại, Sở thì nói không, Bộ thì nói có (có sự thỏa thuận).

Vậy trường nghe ai?

Về lý, bộ là cấp trên của sở nên có thể nghe bộ mà bỏ qua ý kiến của sở.

Tuy nhiên ở ta, hình như nhiều lúc, nhiều nơi vẫn chưa “thoát” khỏi câu thành ngữ “Phép vua thua lệ làng”, “Quan thì xa, bản nha thì gần”. Trái lời bộ có khi không sao chứ trái ý sở, sở mà “phật ý”, “mếch lòng” thì… hơi bị mệt.

Về cá nhân, tôi cho rằng việc tổ chức học online (tất nhiên, đây là giải pháp tình thế) là không bàn cãi bởi thứ nhất, không thể để các em gián đoạn một thời gian dài và thứ hai, về lâu dài, đây là cơ hội làm tiền đề cho một cuộc cách mạng trong dạy và học để từ đó, giảm tối đa tình trạng thầy đọc, trò chép.

Về việc thu tiền, theo tôi nên cho phép bởi dịch bệnh không biết bao giờ mới hết. Việc tổ chức học online, nhà trường cũng phải chi phí cho nhiều khâu, trong đó vẫn phải trả lương cho giáo viên, nhất là đối với các trường dân lập, tự chủ kinh tế.

Trong lúc khó khăn, đành rằng mỗi ngành, mỗi nghề đều có khó khăn riêng. Song, với ngành giáo dục cần có ưu tiên bởi thế hệ con em chúng ta trông chờ rất nhiều vào đội ngũ các thầy cô giáo.

Về phía cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT Hà Nội cần thống nhất chỉ đạo, không nên để tình trạng “Bác bảo đúng, bác bảo sai – Chúng em ở giữa nghe ai bây giờ”.

Bùi Hoàng Tám