"Án lệ" doanh nghiệp kiện hải quan
(Dân trí) - Trong nhiều năm qua, tình trạng doanh nghiệp khiếu nại cơ quan hải quan về những lý do: Áp sai mã số thuế, cưỡng chế nộp thuế... là khá phổ biến, song đa phần, các doanh nghiệp thua. Nhưng tuần trước, một vụ việc hi hữu đã xảy ra: Doanh nghiệp kiện ra tòa và tòa án đã tuyên doanh nghiệp đó thắng kiện. Vụ việc này có thể coi là một án lệ trong quan hệ doanh nghiệp- hải quan.
Cụ thể, cuối tuần trước, như Dân trí đã đưa tin, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã xét xử sơ thẩm vụ Công ty TNHH Thương Mại Hoàng Nam Giang kiện ông Đoàn Đình Nhi, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành, Quảng Nam).
Vụ việc này cũng mới xảy ra hồi tháng 5 vừa qua, khi Công ty Hoàng Nam Giang ký hợp đồng nhập 2000 tấn đường mía từ Lào và được cơ quan chức năng của Lào cấp Giấy chứng nhận xuất sứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) để hưởng thuế suất ưu đãi 2,5% theo
Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào và Nghị định 124/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào.
Tuy nhiên, khi hàng hóa về đến Việt Nam, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà cho rằng mặt hàng đường nhập từ Lào phải chịu thuế suất nhập khẩu 80%. Cty Hoàng Nam Giang không đồng ý, dẫn đến 120 tấn đường phơi ngoài nắng tại Cảng Kỳ Hà gần 4 tháng nay khiến doanh nghiệp thiệt hại đến thời điểm này gần 3 tỷ đồng.
Xem xét nội dung kiện của Công ty Hoàng Nam Giang và các căn cứ pháp lý theo Hiệp định và Nghị định 124/NĐ-CP của Chính phủ, Tòa án tỉnh Quảng Nam đã tuyên hủy quyết định của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà ấn định thuế nhập khẩu 80% đối với mặt hàng đường nhập từ Lào về Việt Nam.
Đây là một trong số ít vụ việc hiếm hoi mà doanh nghiệp "dám" kiện một lãnh đạo cơ quan hải quan ra tòa và đã thắng kiện. Nó có thể tạo ra một "án lệ" để từ nay về sau, nếu cơ quan hải quan áp đặt, ra quyết định sai trong việc áp mã thuế, thu thuế của doanh nghiệp không trên cơ sở qui định của pháp luật, họ sẽ hoàn toàn bị kiện, thua kiện và phải bồi hoàn mọi tổn thất cho doanh nghiệp, nếu có.
Và đáng hoan nghênh các cơ quan bảo vệ pháp luật như Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã thượng tôn pháp luật, xét xử công tâm, khách quan, bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có một điều đáng nói trong vụ án này, theo như thông tin nêu tại phiên tòa là quyết định xử lý trái luật của Chi cục Hải quan cảng Kỳ Hà lại có hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan.
Vậy phải chăng ở đây, cả cơ quan hải quan địa phương và Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đều không cập nhật thông tin, không nhớ gì đến nội dung quy định trong Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào và Nghị định hướng dẫn số 124/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ? Để đến nỗi, ngoài việc tuyên hủy Quyết định ấn định thuế của Chi cục trưởng Hải quan cảng Kỳ Hà, Tòa án còn yêu cầu buộc cơ quan hải quan phải thưc hiện nghiêm quy định tại các văn bản pháp luật trên.
Được biết, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam lại không chấp nhận ngay khoản tiền đòi bồi thường thiệt hại là 2,2 tỷ đồng cho Công ty Hoàng Nam Giang mà lại tách yêu cầu bồi thường thiệt hại của công ty này để giải quyết bằng một vụ án dân sự khác khi Công ty Hoàng Nam Giang có yêu cầu.
Trong khi ở một số vụ việc trước đây doanh nghiệp kiện cơ quan hành chính thì thông thường, Tòa án sẽ quyết định xử lý yêu cầu bồi thường của doanh nghiệp ngay để không mất thêm thủ tục, thời gian cho doanh nghiệp.
Ở trường hợp này cũng vậy, n ếu như việc cơ quan công quyền đã làm sai, việc bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp là lẽ đương nhiên thì tòa cũng nên ra quyết định công nhận yêu cầu của nguyên đơn. Và đó mới là hình phạt đầy đủ cho cán bộ, công chức hải quan, cho cơ quan hải quan khi vô tình hay cố ý làm trái quy định mà pháp luật đã quy định- những quy định mà hơn ai hết, họ phải nắm rất rõ.
Mạnh Quân