60 tỷ USD tiền nhàn rỗi trong dân, sao chỉ nghĩ cách huy động?
(Dân trí) - Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây, đánh giá của ông Alwaleed Fareed Alatanani, Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đưa ra một nghiên cứu cho rằng, hiện có khoảng 60 tỷ USD tiền nhàn rỗi trong dân ở Việt Nam.
Ý kiến này lại dấy lên cuộc tranh luận là làm sao để huy động, khai thác nguồn tài chính khổng lồ ấy. Nhưng ít ai đưa ra ý kiến, làm sao vừa huy động mà vừa bảo vệ được tài sản cho dân.
Mặc dù cũng có nhiều ý kiến tranh luận, nghi ngờ phương pháp tính để đưa ra con số ước đoán 60 tỷ USD kia chưa chắc đã đúng, nhưng chắc rằng phần lớn người quan tâm đến câu chuyện này đều tin nguồn lực tài chính: tiền Việt, ngoại tệ, vàng... trong dân là lớn.
Người ta có thể thấy, cứ nói dân ta nghèo nhưng cứ một con đường mới, cứ có một khu đất đủ rộng giải phóng xong mặt bằng ở đâu, nhà ở, khách sạn, chung cư... mới mọc lên rất nhanh ở đó và chủ yếu là tiền của tư nhân, của người dân.
Dự án Luật các đơn vị hành chính đặc biệt (đặc khu), chưa được thông qua và phải hoãn đi hoãn lại 2 lần nhưng trước đó, tiền đầu tư mua đất, mua đi bán lại mà người ta ước tính lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng đã kịp đổ vào Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong.
Người ta có thể ước tính được con số đó từ các nguồn: Từ tiền lương khu vực nhà nước, từ các doanh nghiệp trong nước (doanh nghiệp tư nhân, FDI...), từ nguồn kiều hối mỗi năm hơn 10 tỷ USD về nước... trừ đi các con số có thể thống kê được ở tiền gửi của người dân vào các ngân hàng, tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư. Mỗi tổ chức nghiên cứu kinh tế có thể có một con số khác nhau nhưng đều là những con số không nhỏ, không thể dưới vài chục tỷ USD (qui đổi).
Đứng trước vấn đề mới được xới lại trên, nhiều người lại đặt vấn đề: Phải cải thiện môi trường kinh doanh, mở ra nhiều kênh đầu tư mới, tạo điều kiện cho người dân yên tâm lấy tiền từ két sắt, móc từng đồng tích cóp để dưới... gối, bán vàng, USD... để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Vâng, nói thế thì luôn đúng và ai cũng có thể... nói được. Nhưng hãy đặt câu hỏi: Tại sao tiền trong dân còn lớn như vậy mà người ta vẫn chưa chịu bỏ ra để đầu tư, để khởi nghiệp, làm ăn mà rất nhiều người chọn hình thức gửi tiết kiệm, với lãi suất chẳng cao hơn mức lạm phát hàng năm được bao nhiêu?. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đưa ra nhận định: Với một đất nước dân số đã tới gần 95 triệu như Việt Nam mà mới có 2000 nhà đầu tư là con số rất thấp.
Người ta nói nhiều đến việc huy động mà chưa nói nhiều đến việc làm gì để bảo đảm tài sản, nguồn vốn trong dân, chưa có nhiều ý kiến nói đến các giải pháp mới để cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thủ tục, giấy phép con, cản trở, gây khó khăn cho đầu tư, kinh doanh từ khu vực tư nhân.
Trong cuộc họp gần nhất (ngày 12/7/2018) với các bộ, ngành về đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh (giấy phép con, giấy phép cháu...), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ đã phải than thở: "Đã hết nửa năm mà tiến độ (cắt giảm) còn chậm quá". Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, đến hết tháng 15/8/2018, 17 bộ, ngành phải cắt giảm được 50% điều kiện kinh doanh nhưng cho đến đúng thời điểm trên, thống kê cho thấy, số thủ tục được cắt bỏ mới chỉ đạt 12,5%. Một con số quá thấp so với yêu cầu đặt ra.
Còn quá nhiều giấy phép, rào cản cho đầu tư, kinh doanh trong khi tiền gửi của người dân vào ngân hàng một số nơi còn chưa đảm bảo thì có lẽ đó là những lý do khiến người dân còn ngần ngại bỏ vốn ra phát triển sản xuất. Nhiều người lại bỏ vốn đầu tư vào những kênh đầy rủi ro như "đào" tiền ảo, bán hàng đa cấp, cho vay "nóng"... thì đó có phần rất lớn trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi còn chưa quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, tạo ra những kênh đầu tư hấp dẫn, an toàn để có thể huy động cái khoản "60 tỷ USD" còn đang nằm trong dân vậy.
Mạnh Quân