5 kiến nghị gửi ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
(Dân trí) - Đành rằng “Mất bò mới lo làm chuồng” nhưng vẫn phải “làm chuồng” dù đã “mất bò” để không phải mất thêm một học sinh nào nữa vì sự tắc trách của người lớn. Tri thức là quý nhưng tính mạng con người còn quý hơn rất nhiều bởi sự sống là tất cả, phải không các bạn?
Cái chết thương tâm và đau xót của em học sinh lớp Một tại Trường Gateway (Hà Nội) đã gây sốc cho gia đình và toàn xã hội. Nó đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh không chỉ vấn đề đưa đón học sinh mà còn là thái độ và trách nhiệm của nhà trường với số phận các em nhỏ.
Nó còn như một gáo nước lạnh dội vào hệ thống trường ngoài công lập cũng như những nỗ lực xã hội hóa giáo dục mà gần đây, đã thu được những thành tựu nhất định nhằm thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng VI (1986}, phấn đấu đạt tỉ lệ 40% trường học trong hệ thống dân lập.
Để sự mất đi của em học sinh nói trên không vô ích hay nói cách khác, đây là hồi chuông cảnh báo cho tất cả chúng ta, đặc biệt là với phụ huynh và các thầy, cô giáo, các cơ sở giáo dục, tôi xin kiến nghị với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT 5 vấn đề sau.
Trước hết và trên hết, Bộ phối hợp cùng với các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân cái chết của em học sinh để nhanh chóng đưa ra kết luận, từ đó có biện pháp xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh tình trạng “để lâu hóa bùn”.
Thứ hai, cần rà soát và ban hành các qui định bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em. Đối với trường hợp cụ thể này, cần kiểm tra hai ý kiến, một là có hay không việc nhà trường “nhặt nhạnh” các chủ xe để giảm chi phí và hai là có hay không và vì lý do gì không cho giáo viên chủ nhiệm trực tiếp liên lạc với phụ huynh qua điện thoại?
Trường hợp em học sinh trên, nếu cô chủ nhiệm liên lạc trực tiếp với phụ huynh, chắc chắn đã không có cái chết bi thương này.
Thứ ba, yêu cầu nhà trường cung cấp số điện thoại của hiệu trưởng (hoặc người đại diện), giáo viên chủ nhiệm, cô giáo phụ trách đưa đón các em và điện thoại này phải thường xuyên thông suốt. Thậm chí yêu cầu bắt buộc các nhà xe chuyên chở các em phải gắn camera, tốt nhất là truyền dẫn trực tiếp đến với máy của phụ huynh.
Đối với phụ huynh, yêu cầu mỗi cháu phải có ít nhất 2 số máy, của bố me, ông bà hoặc người thân để nhà trường liên lạc khi cần thiết.
Bốn, nghiêm cấm việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa nếu không đủ điều kiện dù trong hay ngoài nhà trường. Cần xem xét và cân nhắc các trung tâm dạy học xen kẽ tham gia vào nhà trường vi đây là hình thức thương mại hoá, rất khó quản lý học sinh. Cấm tất cả các cuộc thi khoác áo “sân chơi” mang màu sắc ăn thua, thương mại.
Năm, đối với giáo viên hợp đồng phải cam kết đảm bảo yêu cầu về giảng dạy và tính mạng con người. Hiệu trưởng nhà trường phải là người hoàn toàn chiu trách nhiệm về pháp lý nếu để xảy ra mọi vấn đề liên quan.
Những việc này không chỉ đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng các cháu mà còn tránh cho các cháu những “cạm bẫy” về đạo đức, lối sống.
Xin đừng để phụ huynh mỗi buổi sáng lại nơm nớp nỗi lo con cái đến trường và chờ cho đến buổi chiều khi con có mặt ở nhà rồi mới thở phào nhẹ nhõm.
Đành rằng “Mất bò mới lo làm chuồng” nhưng vẫn phải “làm chuồng” dù đã “mất bò” để không phải mất thêm một học sinh nào nữa vì sự tắc trách của người lớn.
Tri thức là quý nhưng tính mạng con người còn quý hơn rất nhiều bởi sự sống là tất cả, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám