Giáo viên bị cuốn vào cuộc đua “làm đẹp điểm số” học bạ

(Dân trí) - Xét tuyển học bạ của nhiều trường khiến phụ huynh cuốn vào cuộc chạy đua “làm đẹp điểm số” của con; Còn giáo viên thì vì nể nang, vì thương các em nên cũng tạo điều kiện “vẽ học bạ” đẹp cho học trò của mình.

Đó là chia sẻ của giáo viên trước hiện tượng ngày càng có nhiều học sinh giỏi khiến dư luận xôn xao, điển hình như trường tiểu học ở Vũng Tàu có 42/43 học sinh giỏi/lớp.

Đừng vội đánh giá là bệnh thành tích?

Cô Nguyễn Thu Hằng, trường tiểu học Đoàn kết (Hà Nội) cho rằng, trước tiên, phải công nhận các em ngày nay rất thông minh và có nhiều điều kiện để tiếp cận kiến thức học tập qua mạng Internet, đó là sự phát triển đi lên của xã hội.

Ngoài giờ trên lớp, trẻ được học thêm tiếng Anh, thể thao, nghệ thuật, các kĩ năng sống… cha mẹ đầu tư cho con nhiều hơn, dĩ nhiên kết quả học tập sẽ cao hơn. Như vậy, không phải số lượng học sinh giỏi tăng nhiều đã là bệnh thành tích, đừng vội nhìn vào kết quả một lớp học mà đánh giá cả khối, cả trường.

Giáo viên bị cuốn vào cuộc đua “làm đẹp điểm số” học bạ - 1
Lớp học có 42/43 học sinh giỏi (ảnh minh họa).

Điển hình như trường tiểu học ở Vũng Tàu có 42/43 học sinh giỏi/lớp, đó chỉ là con số nhỏ so với cả khối có 11 lớp với gần 500 học sinh, chưa kể đó lại là lớp chọn chất lượng cao thì việc toàn giỏi đó lại hoàn toàn bình thường.

Quay lại với câu chuyện liệu bệnh thành tích có đang tồn tại, theo cô Hằng, Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT về cách đánh giá học sinh tiểu học; quy định giảm tải số môn kiểm tra cuối năm xuống chỉ còn môn Tiếng Việt, môn Toán và nhận xét theo từng mặt năng lực.

Do đó, hai môn chính được đầu tư học nhiều hơn, điểm số cao hơn, không bị giàn trải chia điểm trung bình cho 7- 8 môn như trước đây, dĩ nhiên tỷ lệ học lực giỏi sẽ tăng cao hơn.

Tuy nhiên, nó lại đang mâu thuẫn với quy định xét tuyển vào bậc THCS tại nhiều trường chuyên, lớp chọn ở các tỉnh yêu cầu phải đạt 5 năm học lực giỏi liên tục. Tức là điểm số các em phải có 100 điểm/5 năm học mới đủ điều kiện tham gia dự tuyển.

Chính vì đó mà phụ huynh muốn cho con được học trường như ý, vô tình cuốn vào cuộc chạy đua “làm đẹp điểm số” của con. Còn giáo viên thì vì nể nang, vì thương các em nên cũng tạo điều kiện “vẽ học bạ” đẹp cho học trò của mình. Đó chính là nguyên nhân kéo theo cuộc đua bệnh thành tích luôn tồn tại.

Thầy Nguyễn Văn Lượng, trường tiểu học Sóc Đăng (Phú Thọ) cho rằng, thực tế một trường chỉ có cao nhất khoảng 35% học sinh đạt học lực giỏi, trường nào cao hơn thì cũng không vượt qua được con số 45% và đó không được tính là bệnh thành tích.

Phải chăng chỉ là nhiều trường hiện nay chưa hiểu rõ quy định “khen từng mặt” theo thông tư 22 của Bộ GD-ĐT quy định về cách thức đánh giá học tập của học sinh, là khen như thế nào nên khiến phụ huynh và dư luận hiểu nhầm rằng con em chúng ta quá dễ dàng được giấy khen học sinh giỏi. Rồi lại mơ hồ đặt câu hỏi, liệu con trẻ có thực sự giỏi như những gì được khen thưởng.

Các em học tốt một hai môn không có nghĩa đạt học sinh giỏi toàn diện. Như vậy cần nhìn lại nhận thức và cách khen thưởng của các trường, tránh để dư luận và phụ huynh hiểu nhầm rằng con mình giỏi thật.

Quá coi trọng “học bạ đẹp”

Thầy Nguyễn Văn Tám, Hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Tuy (Hà Nội) cho biết, khi đón các em học sinh lớp 6 vào trường, có tới trên 80% số học sinh học bạ toàn điểm 9 – 10, hiếm có em nào điểm trung bình. Phải chăng là do áp lực từ tuyển sinh đầu cấp THCS mà khiến các thầy cô và các em chạy đua theo điểm đẹp để có một suất “chắc chân” ở trường tốt.

Kể cả ở cấp THCS cũng không bao giờ có chuyện cả trường đạt 98% học sinh có học lực giỏi được, đó là chuyện vô lý; cố gắng lắm thì cũng chỉ được trên dưới 40% là cao nhất.

Thầy Tám nhấn mạnh, ở mỗi cấp học có một cách đánh giá riêng, cấp 1 giỏi nhưng lên cấp 2 chưa chắc đã giỏi; phụ huynh đừng quá nôn nóng cũng đừng quá kì vọng mà đặt áp lực vào kết quả học tập của con.

Bởi, khi các em chuyển cấp sẽ tiếp xúc với môi trường mới, cách học mới, cách thi đánh giá mới, số môn học tăng lên… thì kết quả khó mà giữ vững như bậc tiểu học được. Điều này cần phụ huynh hiểu và trách nhiệm của Nhà trường là giải thích và làm các gia đình yên tâm khi gửi gắm con em mình.

Dĩ nhiên, trường nào thì cũng muốn có kết quả cao để thi đua trong quận, trong thành phố, có như vậy mới làm tăng sức mạnh của các phong trào… cho nên một chút thành tích cũng là dễ hiểu. Nhưng cũng nên thêm vào các tiêu chí đánh giá như hoạt động phong trào thể thao, sinh hoạt dưới cờ, văn nghệ, tình nguyện, thiện nguyện… sẽ giúp giảm được vấn đề chạy theo con số, tăng chương trình vui chơi bổ ích khi trẻ đến trường.

Theo cô giáo Trần Thị Tuyết Mai, trường THPT Đoan Hùng (Phú Thọ), ngày trước chúng tôi đi học, một lớp có khoảng 1- 2 bạn học sinh xuất xắc đã là nhiều và cực kỳ khó khăn mới có thể đạt được kết quả cao như vậy, nhưng đó là chất lượng thực chất, không bị nặng bệnh thành tích và học bạ ngày đó không quan trọng như bây giờ.

Cô Mai tâm sự: “Thú thực, đôi khi đi dạy học, tôi cũng vì thương học sinh nên “nới tay” khi chấm bài, cho làm thêm bài kiểm tra… với hi vọng giúp các em nâng điểm phẩy; điểm số đẹp cũng phần nào tạo ra học bạ đẹp khi các em đi học, đi xin việc làm sau này.

Chưa kể nhiều học sinh cũng được phụ huynh đặc biệt “gửi gắm” nên giáo viên cũng “cả nể” có những nhiều cách quan tâm và giúp đỡ các em trong học tập hơn. Đó là điều ai cũng trải qua khi đứng trên bục giảng

Thầy cô giáo là người cầm cân này mực nên cũng rất dễ có chuyện giúp đỡ học sinh của mình có được một kết quả đẹp. Nhưng vì đâu mà sự kì vọng của phụ huynh vào kết quả học tập của con lớn đến vậy? Đơn giản vì mong mỏi cho con có tương lai sáng lạn hơn”.

“Giáo viên chúng tôi cũng không vui vẻ gì khi chấm điểm cao hơn với năng lực học sinh có thể làm. Đến khi nào chúng ta thực sự công tâm trong việc không đặt nặng xét tuyển học bạ, hay điểm học bạ làm tiêu chí phụ trong tuyển sinh các cấp thì khi đó mới giảm tải được phần nào sự kì vọng vào một quyển sổ nguyên điểm đẹp” – cô Mai bày tỏ.

Hà Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm