BĐS tuần qua:
Xuất hiện thêm lý do tăng giá nhà; dự án khu đô thị ôm đất vàng bỏ hoang
(Dân trí) - Cận cảnh dự án khu đô thị ôm đất vàng Thủ đô bỏ hoang gần 2 thập kỷ; giá xăng dầu cao, thêm lý do tăng giá nhà, thị trường có nhiều rủi ro... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Thêm diễn biến "nóng" vụ trúng đấu giá đất Thủ Thiêm
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết ngày 7/7, Cục Thuế TPHCM đã có công văn gửi UBND TP, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Tài chính, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản và Trung tâm phát triển quỹ đất về việc Công ty cổ phần Dream Republic, Công ty cổ phần Sheen Mega không nộp đủ tiền vào ngân sách Nhà nước theo quy định tại hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.
Theo đó, khi có quyết định thu hồi quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá, Cục Thuế TPHCM sẽ thu hồi thông báo tiền sử dụng đất, thông báo lệ phí trước bạ đối với các khu đất nêu trên.
Đến nay, Cục Thuế TPHCM đang chờ quyết định hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất của UBND TPHCM để thu hồi thông báo tiền sử dụng đất, thông báo lệ phí trước bạ và ý kiến chỉ đạo với khoản 20% tiền đặt cọc và số tiền Cục Thuế thu được do cưỡng chế đối với khoản nợ quá hạn 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp.
Giá xăng dầu cao, thêm lý do tăng giá nhà, thị trường có nhiều rủi ro
Trên thị trường đầu tư hiện nay, các kênh đầu tư phổ biến nhất vẫn là vàng, chứng khoán và bất động sản. Trong đó, bất động sản được xem như một kênh đầu tư an toàn, giúp tích trữ tài sản với tiềm năng tăng lợi nhuận trong tương lai.
Tuy nhiên, theo TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Bộ phận đầu tư Savills Việt Nam - từ đây đến cuối năm, nguồn cung bất động sản sẽ không nhiều. Việc nguồn cung trên thị trường khá hạn chế dẫn đến việc tăng giá bất động sản từ 20-30% so với các năm trước.
Ngoài ra ông Khương cũng chỉ ra rằng, việc tăng giá bất động sản còn đến từ nhiều yếu tố khác như giá xăng dầu, vật liệu xây dựng và nhân công đều tăng, tác động từ cuộc chiến tranh địa chính trị giữa Nga và Ukraine, lạm phát.
"Nguồn cung mới trên thị trường khá hạn chế, chủ đầu tư tăng giá bán, người mua sơ cấp kỳ vọng giá trị gia tăng do lạm phát, giá cả nguyên vật liệu xây dựng gia tăng. Đây là những diễn biến trong thị trường vừa qua, đặc biệt là bất động sản nhà ở", ông nhận định.
Bất động sản Bắc Ninh hạ nhiệt do bị đẩy giá quá cao?
Thông tin về thị trường nhà ở và bất động sản quý II vừa qua, Sở Xây dựng Bắc Ninh cho biết, giá bất động sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn vừa qua đã bị đẩy lên quá cao, vượt quá khả năng chi trả của đại bộ phận người dân. Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng tăng cao, dẫn đến tăng giá bất động sản.
Do vậy, Sở này cho rằng, trong ngắn hạn, giá bất động sản sẽ hạ nhiệt, thị trường có phần trầm lắng, tính thanh khoản chậm lại. Tuy nhiên, trong dài hạn, do các chính sách điều tiết vĩ mô của Nhà nước, triển vọng thị trường bất động sản sẽ phát triển tích cực, ổn định hơn.
Theo một môi giới lâu năm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, khoảng cuối năm 2019, đầu năm 2020, lô đất nền xây biệt thự diện tích 300m2 tại dự án Khu đô thị Đền Đô, phường Đình Bảng chỉ có khoảng 6 tỷ đồng (tương đương 20 triệu đồng/m2). Nhưng hiện tại, các lô đất tương tự trong khu đô thị này đang được bán giá khoảng hơn 70 triệu đồng/m2, vị trí đẹp hơn đã lên tới 90 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện tại, thị trường bất động sản nói chung và Bắc Ninh nói riêng đang rơi vào tình trạng trầm lắng, thanh khoản kém.
Cận cảnh dự án khu đô thị "ôm đất vàng" Thủ đô bỏ hoang gần 2 thập kỷ
Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt do Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi - thuộc Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Tổng công ty Licogi) làm chủ đầu tư. Năm 2004, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi khoảng 35ha đất tại các phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt thuộc quận Hoàng Mai, tạm giao cho Licogi tổ chức điều tra, lập phương án giải phóng mặt bằng, chuẩn bị triển khai dự án này.
Khu đất thực hiện dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt có vị trí đắc địa bậc nhất quận Hoàng Mai khi tiếp giáp với nhiều khu đô thị đã quy hoạch đồng bộ, hiện đại. Dự án có vị trí gần công viên và các khu cư dân hiện hữu sầm uất.
Tuy nhiên, đến nay đã 18 năm trôi qua, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống hoang hóa, nhếch nhác… Không những thế, người dân khu vực cho hay dự án này còn làm đảo lộn cuộc sống, mất kế sinh nhai của họ.
Cận cảnh shophouse giá triệu đô tại Hà Nội chật vật tìm khách thuê
Trong sự phát triển của các dự án nhà ở, khu đô thị, phân khúc nhà phố thương mại (shophouse) từng trở thành phân khúc được các nhà đầu tư săn đón, nhất là thời điểm phân khúc này nở rộ trên thị trường bất động sản hồi năm 2015. Giá bán và giá cho thuê shophouse cao ngất ngưởng do có nhiều ưu điểm là có thể vừa sử dụng để ở, vừa có thể kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng.
Thế nhưng, khoảng hơn 2 năm trở lại đây, loại hình này đã dần trầm lắng. Đặc biệt, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam và kéo dài đến nay, phân khúc shophouse càng trở nên ế ẩm, thậm chí nhiều chủ đầu tư giảm giá nhưng vẫn không có người thuê.
Theo ghi nhận của Dân trí, hai bên đường Lê Trọng Tấn, thuộc địa phận huyện Hoài Đức và quận Hà Đông (Hà Nội) đang hiện hữu những dãy shophouse dày đặc. Tuy nhiên, chỉ cần dạo một vòng có thể thấy hầu hết dãy shophouse mới ở đây đều đóng cửa. Một số khu vực có người thuê shophouse để kinh doanh nhưng mật độ nhìn chung thưa vắng.