Xu hướng dịch chuyển nhà về đô thị vệ tinh của người dân TPHCM
(Dân trí) - Trong bối cảnh sức ép quá tải về hạ tầng và giá đất tăng nhanh tại khu vực nội đô, người dân TPHCM có xu hướng "ly tâm" rời phố về các tỉnh lân cận.
Nguyên nhân giá bất động sản TPHCM liên tục tăng cao
Theo một số khảo sát mới đây của nhiều công ty tư vấn và các chuyên gia, giá bất động sản tại TPHCM đã ghi nhận mức tăng nhanh. Lý giải về điều này, các chuyên gia cho rằng quỹ đất tại nội đô ngày càng khan hiếm dẫn đến việc giá bất động sản sẽ còn tăng trong tương lai gần. Thêm vào đó, chi phí vật liệu, thời gian hoàn thành các thủ tục pháp lý kéo dài, cũng là một trong những yếu tố khiến giá bất động sản tại TPHCM tăng nhanh.
Trong báo cáo thị trường của Cushman & Wakefield, trong quý I/2022, bình quân giá chào bán căn hộ chung cư mới tại TPHCM đạt 3.300 USD/m2 (tương đương 75,4 triệu đồng), tăng 27% theo năm. Savills Việt Nam cho hay, nguồn cung căn hộ thành phố trong năm qua giảm 54% (11.700 căn), là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, ngoài yếu tố pháp lý thì việc mất cân đối cung - cầu đã khiến mặt bằng giá liên tục bị đẩy lên cao.
Dịch Covid-19 cũng là một yếu tố thúc đẩy xu hướng "ly tâm" rời phố về ven đô của người dân TPHCM. Nhiều người có xu hướng tìm đến không gian sống thoáng đãng, tách biệt với trung tâm đô thị chật chội và đông đúc. Việc chọn sống ở vùng ven giúp người mua nhà có thể giải được bài toán khó ở cuộc sống đô thị hiện nay như khói bụi, ùn tắc giao thông, đồng thời thỏa mãn nhu cầu sống và sinh hoạt cho cả gia đình.
Chị Thanh Hằng (quận 5, TPHCM), đang sở hữu căn hộ tại Bình Dương chia sẻ, mục đích ban đầu khi chọn mua căn hộ tại đây là để cho thuê. Thế nhưng đợt dịch vừa rồi, thời gian giãn cách quá dài, nên gia đình chị đã lui về "ở ẩn" tại căn hộ này. Tới đây khi dự án mở rộng Quốc lộ 13 lên 8 làn xe hoàn thiện, gia đình chị dự định chuyển về ở tại căn hộ Bình Dương, vì di chuyển đi làm chỉ mất khoảng 40 phút mà gia đình lại có không gian sống rộng rãi.
Nhà đầu tư bất động sản tìm kiếm cơ hội ở những vùng đất mới
Nhiều chủ đầu tư đã tìm về các khu vực ven TPHCM như Bình Dương để tìm kiếm cơ hội đầu tư, săn quỹ đất do giá cả, quỹ đất ở các địa phương này đang tốt hơn TPHCM. Trong đó, TP Thuận An với vị trí tiếp giáp TPHCM - nơi được xem là cửa ngõ giao thương của tỉnh Bình Dương - được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Không chỉ là cầu nối giao thương với các đô thị năng động của khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên, Thuận An có hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, làn sóng nhập cư lớn… Đây cũng là một trong những yếu tố giúp thị trường bất động sản Thuận An sôi động trong suốt thời gian qua.
Thêm vào đó, Thuận An - đô thị vệ tinh của TPHCM - đang được tập trung nguồn lực để phát triển. Nhiều dự án giao thông kết nối với các tỉnh thành lân cận cũng được đẩy mạnh triển khai tại đây. Địa phương này đang quy hoạch nhiều trung tâm thương mại, khu vui chơi mua sắm, bệnh viện và các khu công nghiệp lớn.
Nổi bật trong đó là dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 lên 8 làn xe nối Bình Dương - TPHCM. Dự án nâng cấp này bao gồm việc xây dựng nhiều dự án hạ tầng lớn như: Cầu vượt tại giao lộ Quốc lộ 13 - cầu Ông Bố thuộc TP Thuận An và nút giao ngay cổng Khu công nghiệp VSIP 1.
Sau khi Quốc lộ 13 được mở rộng sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ TP Thuận An đến TPHCM. Đây là động lực khiến bất động sản Thuận An gia tăng giá trị. Theo Savills, giá căn hộ trung bình một số nơi ở Thuận An năm 2021 là 40,8 triệu/m2, mức cao nhất được DKRA ghi nhận ở Bình Dương là 49,1 triệu/m2. Các dự án có lợi thế về vị trí, hạ tầng, tiện ích và pháp lý hoàn thiện được dự báo tiếp tục có tỷ lệ hấp thụ tốt.
Bất động sản Thuận An thu hút dòng vốn đầu tư đang chảy mạnh vào Bình Dương với loạt dự án đổ bộ. Với những lợi thế đang có, các dự án nằm ở những khu đất "vàng" với giao thông đi lại thuận tiện, môi trường sống, làm việc và giáo dục được quan tâm sẽ thôi thúc người mua căn hộ tìm đến, như một "bến đỗ" an cư lạc nghiệp.