Xây bệnh viện dã chiến cấp tốc: Sở kêu vì chi phí, nhân công cao gấp 4 lần
(Dân trí) - Mua trụ oxy khoảng 1 - 1,2 triệu đồng nhưng có lúc lên 4 - 5 triệu đồng, chi phí công nhân trả gấp 3 - 4 lần. Sở Xây dựng TPHCM đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng về quyết toán theo giá thực tế.
Đề xuất có quy định về điều kiện bất khả kháng
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, ngày 22/10, Bộ này đã tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19 và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực phía Nam.
Hội nghị nằm trong chương trình của Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 của Bộ Xây dựng.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh khẳng định Bộ chia sẻ những khó khăn, mất mát về tài sản, về con người và những tổn thương trong đại dịch.
"Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, trước những khó khăn hiện nay sẽ nhanh chóng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy kinh tế phát triển", ông Minh nhấn mạnh.
Tại hội nghị đã có nhiều ý kiến, kiến nghị gửi tới Bộ Xây dựng với mong muốn tháo gỡ nhiều vấn đề tại TPHCM và các tỉnh thành phía Nam, sớm phục hồi kinh tế trở lại.
Cụ thể, ông Lê Viết Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu - cho biết, tiến độ của các công trình bị ảnh hưởng phải dừng thi công thời gian qua nhưng nhà thầu vẫn bị chủ đầu tư phạt chậm tiến độ.
Do vậy ông Hải kiến nghị Bộ nên có quy định về điều kiện bất khả kháng để điều chỉnh để nhà thầu và chủ đầu tư có cơ sở để chia sẻ với nhau, quy định cụ thể khi chủ đầu tư chây ì không thanh toán.
"Trong điều kiện hiện nay, xin giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không phải là giải pháp tốt, làm thế nào để doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh mới là vấn đề cốt yếu chứ đã có lợi nhuận thì không nên xin giảm trong lúc này. Đồng thời, giải quyết các khó khăn cho vấn đề pháp lý các dự án cũng là giải quyết khó khăn cho các nhà thầu", ông Hải cho hay.
Trên thực tế theo vị này, nhiều dự án đã phải dừng thi công hoặc thi công cầm chừng nhà thầu cũng gánh chịu nhiều thiệt hại.
Ông Đinh Hồng Kỳ - Phó chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng - cũng cho biết, cước vận tải đã tăng từ 4 - 5 lần trong dịch. Mỗi tỉnh thành đều có quy định khác nhau nên việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa rất khó khăn, không có sự nhất quán trong chỉ đạo giữa Trung ương với các địa phương, tình trạng "trên bảo dưới không nghe" khá phổ biến trong thời gian vừa qua.
Ở góc độ một doanh nghiệp ở bất động sản, ông Trần Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh - kiến nghị 7 vấn đề, trong đó có vấn đề đối với các dự án condotel, chủ đầu tư để lại 3 -5% khai thác kinh doanh khách hàng mua căn hộ.
Theo vị này, yêu cầu đối với condotel là quản lý chuẩn theo mô hình khách sạn nên không thể dùng quản lý nhà chung cư để điều hành, không có cơ chế ban quản trị điều hành, kinh phí bảo trì khách hàng cũng không phải đóng 2% mà chủ đầu tư sẽ theo suốt quá trình tồn tại của sản phẩm.
Quy định các dự án chỉ được chuyển nhượng khi có chứng nhận quyền sử dụng đất cũng gây nhiều khó khăn. Đồng bộ thực hiện thống nhất giữa các văn bản, cấp phép giữa Trung ương và địa phương để tránh tình trạng rà soát lại, tốn thêm thời gian, đại diện doanh nghiệp nêu vấn đề.
Choáng vì giá nguyên vật liệu, nhân công tăng
Ngoài các phản ánh từ doanh nghiệp, đáng chú ý hội nghị cũng nhận được nhiều kiến nghị từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - cho biết, Bộ Xây dựng đã kịp thời ban hành cơ chế xây dựng các công trình khẩn cấp nên rất nhiều các bệnh viện dã chiến đã được hoàn thành nhanh chóng, phục vụ cho công tác chống dịch của thành phố.
Tại thời điểm đó, TPHCM chỉ biết làm thật nhanh nhất có thể chứ không tuân thủ các quy trình về thủ tục đầu tư công hay lập dự án đầu tư. Ông Quân đơn cử như việc mua trụ oxy bình thường khoảng 1 - 1,2 triệu đồng/trụ nhưng có thời điểm lên đến 4 - 5 triệu đồng/trụ, công nhân trả gấp 3 - 4 lần vì không kiếm được người vào làm trong khu có F0.
Trước thực tế nêu trên, ông Quân đã đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng về vấn đề quyết toán theo đơn giá thực tế.
Ông Quân cũng kiến nghị một số quy định tại Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đầu tư Kinh doanh bất động sản nên có điểm thống nhất để công tác thực thi được tốt hơn.
Trong khi đó ông Võ Hoàng Ngân - Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương - kiến nghị thêm về dự án bán nhà hình thành trong tương lai quy định bên mua đồng ý. Tuy nhiên, đã bán nhà trong "tương lai" thì chưa thể xác định được người mua cụ thể để đồng ý. Vì thế, cần sửa đổi lại quy định này.
Ông Ngân cũng kiến nghị thêm hiện nay đã bỏ thanh tra xây dựng cấp huyện, nếu bỏ tiếp cấp tỉnh thành thì rất khó cho công tác quản lý của Sở. Đặc biệt Bình Dương có 1,2 triệu lao động. Khi xảy ra dịch, quy định là không cho công nhân ở trong khu công nghiệp (KCN).
Do đó, qua đợt dịch vừa qua, cần xem lại quy định, cho phép xây khu lưu trú cho công nhân trong KCN. Trạm y tế lưu động thì xử lý hiệu quả, nên cho xây dựng để xử lý điều trị ban đầu. Bình Dương đặt mục tiêu có nhà ở xã hội cho hơn 1 triệu công nhân, Bộ cần sớm có đề án, chính sách để xây dựng…
Sở Xây dựng Đồng Nai, Long An cùng kiến nghị về quy định diện tích phòng trọ tối thiểu cho người lao động thuê đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Thông tư 9 từ ngày 1/10 nhưng tại thông tư này không quy định diện tích nên địa phương không có cơ sở để chấp nhận các loại dự án này.
Các đơn vị cục, vụ, viện thuộc Bộ và các ban quản lý dự án về giao thông, hạ tầng đô thị, dân dụng công nghiệp… cũng đã nêu ý kiến, trao đổi về những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải sau đại dịch, đề xuất một số giải pháp tháo gỡ trước mắt và lâu dài để các doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thứ trưởng Bùi Hồng Minh cho biết, trong đợt dịch bùng phát vừa rồi, ngành xây dựng đã kịp thời có hướng dẫn trong thi công bệnh viện dã chiến, đáp ứng được hoạt động chống và kiểm soát được dịch Covid-19. Liên quan đến các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, Thứ trưởng khẳng định, Bộ Xây dựng sẽ rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn của nhà trọ, nhà lưu trú cho công nhân cũng như các chính sách cho nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhằm giải quyết các vướng mắc, nếu chưa hợp lý sẽ đề nghị sửa đổi.
Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 mà Bộ Xây dựng thành lập không chỉ tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp mà còn định hướng thúc đẩy phát triển ngành xây dựng, Thứ trưởng Minh khẳng định.
Theo vị này, Bộ đang quan tâm thúc đẩy phát triển vật liệu xây dựng, số hóa toàn bộ hệ thống quản lý, từng bước đáp ứng được thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn tốt hơn. Lĩnh vực vật liệu xây dựng cần phải quan tâm đến kinh tế tuần hoàn, nhằm tiết kiệm tài nguyên, giảm giá thành công trình. Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cũng đang nghiên cứu sâu từng phân khúc nhà ở, để xây dựng đặc tính, quy chuẩn phù hợp, chính sách quản lý riêng biệt; nghiên cứu để đưa ra các quy định về quản lý không gian ngầm và không gian trên mặt đất tại các khu đô thị…
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh khẳng định nhiều kiến nghị của các đại biểu đã được Bộ Xây dựng kiến nghị lên Thủ tướng và các cuộc họp của các bộ liên quan.
Bộ Xây dựng đang nghiên cứu và đã đề xuất một số vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là vấn đề về chi phí trực tiếp trong thời gian chống dịch.
Vấn đề kiểm soát chặt giá thép xây dựng, tránh đầu cơ tích trữ để nâng giá, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết Bộ Công Thương đã có đoàn công tác kiểm tra về vấn đề này. Rất nhiều vấn đề của ngành xây dựng đã được Bộ Xây dựng phối hợp làm việc với Bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn nhanh nhất có thể cho các doanh nghiệp và người dân.