Wabi-sabi: Triết lý về cái đẹp trong sự không hoàn hảo của người Nhật Bản

Minh Hương

(Dân trí) - Wabi-sabi là một trong những triết lý ảnh hưởng sâu rộng lên nhiều mặt văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc và lối sống của người Nhật Bản.

Triết lý dạy cho chúng ta hiểu trên đời không có gì hoàn hảo và phải biết tìm vẻ đẹp trong khiếm khuyết.

Nhật Bản là quốc gia sản sinh ra nhiều triết lý sống sâu xa ngày càng được người dân trên thế giới quan tâm và tìm hiểu. Một trong những triết lý đó là wabi-sabi.

Wabi-sabi: Triết lý về cái đẹp trong sự không hoàn hảo của người Nhật Bản - 1

Wabi-sabi dạy đề cao vẻ đẹp tự nhiên, nguyên bản của sự vật. (Ảnh: Kyoto-ryokan-sakura)

Wabi-sabi bắt nguồn từ học thuyết Zen (thiền) trong Phật giáo Nhật Bản, bắt nguồn từ ba dấu hiệu tồn tại theo giáo lý nhà Phật là vô thường - đau khổ - không bản ngã.

Nếu để cắt nghĩa cụm từ wabi-sabi thì “wabi” có nghĩa là tính tối giản, không vĩnh cửu, không hoàn hảo còn “sabi” để chỉ ảnh hưởng của thời gian lên vật thể, con người theo năm tháng. Kết hợp lại với nhau, wabi-sabi đề cao việc chấp thuận sự việc, sự vật trên đời vốn có khiếm khuyết, vốn phải già đi, cũng như tìm thấy vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo.

Hai yếu tố của cụm từ khi kết hợp lại bổ sung và hoàn chỉnh lẫn nhau tại thành triết lý sống độc đáo của người Nhật. Wabi-sabi là triết lý sống tập trung vào tìm kiếm vẻ đẹp trong mọi vật, nhìn thấy vẻ đẹp trong bản chất tự nhiên và thô sơ của sự vật, sự việc. Wabi-sabi là chấp nhận mọi việc, mọi thứ như vốn có: không hoàn hảo, không vĩnh viễn, không toàn vẹn. Wabi-sabi đề cao tính đơn giản và vẻ đẹp nguyên bản của sự vật, của cuộc sống. Triết lý này cũng đề cao cuộc sống vượt lên trên những phù phiếm xa hoa của vật chất.

Wabi-sabi: Triết lý về cái đẹp trong sự không hoàn hảo của người Nhật Bản - 2

Wabi-sabi thể hiện trong kiến trúc Nhật Bản. (Ảnh: Kyoto-ryokan-sakura)

Bắt đầu nhen nhóm từ khoảng thế kỷ XII – XIV, wabi-sabi ban đầu là kết quả của sự xâm nhập Đạo giáo và đặc biệt là Thiền Phật vào cách sống và cảm nhận về cái đẹp của người Nhật. Mãi đến thế kỷ XVI sự phát triển rực rỡ của trà đạo Nhật Bản, triết lý này mới thực sự hoàn thiện để bước lên vị trí độc tôn trong quan niệm thẩm mỹ của xứ Phù Tang.

Với người Nhật, wabi-sabi có vai trò không thua kèm so với quan niệm phong thuỷ trong đời sống của người Trung Quốc. Không chỉ là linh hồn của nghệ thuật trà đạo Nhật, wabi-sabi là nấc thang đo thẩm mỹ cho mọi lĩnh vực nghệ thuật và cuộc sống của quốc gia này, từ kiến trúc, thơ hội họa, cho đến kịch. So sánh một cách rộng lớn hơn, wabi-sabi chiếm vị trí linh thiêng trong đề thờ Nhật với những giá trị thẩm mỹ giống như triết lý hoàn mỹ Hy Lạp ảnh hưởng lên văn hoá phương Tây.

Thế nhưng trái với quan điểm phương Tây luôn đề cao vẻ đẹp cầu toàn, wabi-sabi đề cao vẻ đẹp của sự không hoàn hảo và cho rằng hoàn hảo là điều không tưởng và trái với tự nhiên. Wabi-sabi khuyến khích con người chấp nhận và mở lòng với những khiếm khuyết trong cuộc sống, để từ đó cuộc sống trở nên nhẹ nhàng và dễ dàng hơn.