Bộ Xây dựng:

Vướng mắc tại dự án bất động sản do địa phương áp dụng pháp luật chưa đúng

Trần Kháng

(Dân trí) - Theo Bộ Xây dựng, hầu hết khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương, nguyên nhân chủ yếu là do hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng.

Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý II, nguồn cung bất động sản, nhà ở vẫn hạn chế, bằng khoảng 50% so với quý I trước đó và bằng khoảng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều dự án triển khai bị chậm hoặc bị dừng hẳn do nhiều dự án gặp khó khăn vướng mắc về pháp lý, về nguồn vốn…

Dự án bất động sản vướng mắc do địa phương

Về hoàn thiện thể chế, pháp luật, theo Bộ Xây dựng, cơ bản các khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, pháp luật liên quan đến việc đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, đã được tháo gỡ thông qua việc ban hành các Nghị định của Chính phủ và các Thông tư của các Bộ.

Tuy nhiên, một số khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, pháp luật thuộc quy định của Luật đang được Chính phủ đề xuất tháo gỡ trong dự thảo các luật trình Quốc hội xem xét thông qua trong thời gian tới, cụ thể:

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vấn đề đất đai trong các quy định của Luật Đất đai hiện hành về: Phương pháp xác định giá đất; tính tiền sử dụng đất; bảng giá đất; giải phóng mặt bằng… trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Tháo gỡ khó khăn về phát triển nhà ở xã hội trong các quy định của Luật Nhà ở hiện hành về: Việc quy hoạch, bố trí quỹ đất làm nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; ưu đãi và trách nhiệm của chủ đầu tư; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách, quản lý nhà ở xã hội… trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.

Vướng mắc tại dự án bất động sản do địa phương áp dụng pháp luật chưa đúng - 1

Nhiều dự án bất động sản ở huyện Mê Linh (Hà Nội) đang chậm triển khai cả thập kỷ (Ảnh: Hà Phong).

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất ở - đất khác khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở thương mại theo pháp luật về đầu tư trong dự án thảo Luật Nhà ở sửa đổi.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư về: Tỷ lệ 100% chủ sở hữu phải thống nhất khi thực hiện xây dựng lại nhà chung cư cấp C - chưa hư hỏng nặng, nguy hiểm; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; hệ số K bồi thường; quy đổi diện tích căn hộ và giá quy đổi trong phương án bồi thường trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.

Về rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản, Bộ Xây dựng, Tổ công tác đã làm việc trực tiếp với nhiều địa phương, đồng thời tiếp nhận các văn bản, kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân.

Theo đó, Bộ Xây dựng, Tổ công tác đã rà soát, xử lý theo thẩm quyền, đồng thời đã có văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo chức năng, nhiệm vụ được giao đối với các khó khăn, vướng mắc của các dự án mà Tổ công tác nhận được.

Qua tổng hợp, nghiên cứu, xem xét các văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân gửi đến cho thấy, hầu hết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do địa phương hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng,...

Hiện tại, các địa phương đều đã đang tích cực tập trung giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Đến nay, 2 thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM có nhiều dự án bất động sản nhất cả nước đã có những kết quả  tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản hết sức tích cực.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản còn nhiều khó khăn do quá trình triển khai thực hiện nhiều dự án kéo dài, pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc rất khó tháo gỡ; một số cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm.

Đôn đốc các địa phương phát triển nhà ở xã hội

Về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tập trung thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Các địa phương cũng đã đang tích cực tập trung triển khai phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo Đề án đã được Chính phủ giao và hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Đến nay, đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với quy mô khoảng 19.516 căn.

Các địa phương cũng đã đang công bố danh mục dự án đủ điều kiện để các ngân hàng làm cơ sở triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Vướng mắc tại dự án bất động sản do địa phương áp dụng pháp luật chưa đúng - 2

Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tập trung thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Về nguồn vốn tín dụng, Bộ Xây dựng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng; nhiều lần hạ lãi suất điều hành, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng tăng cường tiết kiệm chi phí qua đó từ đầu năm đến nay lãi suất cho vay đã hạ 0,5-2% và cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp phản ánh lãi suất cho vay vẫn còn cao và còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, vay vốn từ các tổ chức tín dụng.

Về trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản chỉ đạo doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu tập trung nguồn lực thanh toán nợ trái phiếu, bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên thời gian qua, một số doanh nghiệp bất động sản đã phát hành một lượng trái phiếu rất lớn (hàng ngàn tỷ đồng) và có hạn trả nợ vào năm nay, trong khi doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về dòng tiền để trả nợ. 

Bộ Xây dựng kiến nghị cần tập trung thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và các nguồn vốn cho vay ưu đãi để tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó là phải quán triệt đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết; chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm