Chính phủ gỡ vướng về giao đất cho nhà đầu tư BT - đổi đất lấy hạ tầng
(Dân trí) - Chính phủ vừa yêu cầu tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư xây dựng các công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) sử dụng tài sản công là đất đai để thanh toán cho các nhà đầu tư.
Trước đó, để đợi Chính phủ ký, ban hành Nghị định về thanh toán cho nhà đầu tư hợp đồng BT, tháng 10/2017 Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương từ ngày 1/1/2018 dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho nhà đầu tư.
Cuối tháng 12/2018, tại hội nghị Chính phủ với 63 địa phương, lãnh đạo nhiều địa phương như Hải Phòng, Bắc Giang, Cần Thơ đều lên tiếng về những khó khăn về việc yêu cầu dừng thanh toán dự án theo hợp đồng BT.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng ông Nguyễn Văn Tùng cho biết việc dừng thanh toán cho các dự án BT khiến thành phố bị phạt hợp đồng tương ứng mức lãi 7,8% một năm.
Còn ông Bùi Văn Hải - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho hay tỉnh này có nhiều dự án BT được triển khai và hoàn thành với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng chưa thể giao đất cho nhà đầu tư khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn.
Lãnh đạo TP. Cần Thơ cũng cho biết việc dừng thanh toán cho nhà đầu tư đang gây khó trong chủ trương thu hút vốn tư nhân của tỉnh thời gian tới.
Theo Nghị quyết 160/NQ-CP vừa được Thủ tướng ký ban hành về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT, Chính phủ yêu cầu đảm bảo theo đúng các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại thời điểm ký kết hợp đồng BT.
Cụ thể, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư được ký kết theo quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán thì tiếp tục thực hiện thanh toán theo nội dung Hợp đồng BT đã ký kết.
Đối với các Hợp đồng BT được ký kết từ ngày 1/1/2018 yêu cầu các Bộ, ngành địa phương rà soát lại nội dung của hợp đồng, nếu phù hợp với quy định của pháp luật thì tiếp tục thực hiện thanh toán theo quy định của Hợp đồng BT.
Trường hợp nếu có nội dung chưa phù hợp với các quy định của pháp luật thì phải đàm phán điều chỉnh lại nội dung hợp đồng BT cho phù hợp với các quy định pháp luật nêu trên.
Các Bộ, ngành và địa phương rà soát và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật các sai phạm nếu có. Đồng thời Chính phủ yêu cầu không được làm thất thoát tài sản công, không để tham nhũng, lợi ích nhóm thao túng lợi dụng BT.
Trường hợp phát hiện có vi phạm nhưng chưa gây thất thoát tài sản nhà nước thì phải điều chỉnh lại Hợp đồng BT; nếu phát hiện vi phạm thì phải điều chỉnh hoặc hủy Hợp đồng BT, thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
An Linh