Vụ vỡ trận Cocobay Đà Nẵng: Bài học cho nhiều bên, rủi ro lớn đến từ khung pháp lý chưa rõ ràng

(Dân trí) - Mới đây, trước thông tin dự án Cocobay Đà Nẵng công bố chấm dứt cam kết lợi nhuận 12%/năm trong vòng 8 năm với chủ sở hữu condotel tại dự án, thị trường dấy lên nhiều lo ngại đối với phân khúc condotel vốn đang khá trầm lắng.

Vụ vỡ trận Cocobay Đà Nẵng: Bài học cho nhiều bên, rủi ro lớn đến từ khung pháp lý chưa rõ ràng - 1

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng đã là đầu tư, bất kỳ vào lĩnh vực, phân khúc nào cũng có rủi ro nhất định.

“Trên thị trường, trong lĩnh vực đầu tư, bên cạnh lợi nhuận, rủi ro là yếu tố luôn song hành mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng cần nhận diện và cân nhắc trước khi ra quyết định”, ông Thành nói.

Bình luận về câu chuyện “vỡ trận” trong cam kết lãi suất condotel vừa qua, ông Thành cho rằng, nó để lại bài học rất sâu sắc đối với nhiều bên.

Từ phía Nhà nước, ông Thành cho rằng: Thị trường vốn luôn sôi động, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải linh hoạt, bám theo cái mới, những thứ phát sinh từ thực tiễn một cách kịp thời.

“Với rất nhiều hình thức, cách thức kinh doanh nếu Nhà nước không bám sát thị trường thì sẽ thiếu khuôn khổ pháp lý, thiếu thông tin cho các bên. Trong khi đó một khuôn khổ pháp lý cùng thông tin minh bạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường rất nhiều”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, việc chưa có khung pháp lý là trong những nguyên nhân dẫn đến sự bất định, rủi ro trong vụ “vỡ trận” condotel vừa qua.

Thực tế, không ít doanh nghiệp thời gian qua đã lên tiếng trước những khó khăn trong việc kinh doanh loại hình condotel khi tính pháp lý chưa được quy định rõ ràng. “Đây là một nhân tố không chắc chắn, rủi ro trong kinh doanh đầu tư của các bên”, ông Thành nhấn mạnh.

Trong khi đó, đối với các chủ đầu tư, ông Thành cho rằng cũng nhận được bài học rất lớn từ vụ “vỡ trận” vừa qua. Cần rõ ràng thông tin, đồng thời ngay từ đầu phải minh bạch với nhau trong xử lý khi tranh chấp rủi ro, ông Thành nêu quan điểm.

Còn đối với nhà đầu tư, ông Thành cho rằng cũng sẽ nhận được bài học lớn. Đối với các hình thức đầu tư dự án gắn nhiều với tài chính, người ta dễ bị che mờ bị lợi ích, do quảng bá… mà nhiều khi chưa tìm hiểu thật kỹ lưỡng.

Chủ đầu tư ứng xử tích cực, không trốn tránh

Nhìn lại vụ Cocobay Đà Nẵng thông báo “vỡ trận” trong cam kết lãi suất, chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng, khi diễn ra khủng hoảng, xuất hiện rủi ro, quan trọng là ứng xử của các bên liên quan.

Vụ vỡ trận Cocobay Đà Nẵng: Bài học cho nhiều bên, rủi ro lớn đến từ khung pháp lý chưa rõ ràng - 2

“Trước hết nên ứng xử theo hợp đồng, thứ hai là pháp lí. Tiếp đến là thẳng thắn đối thoại tìm cách phù hợp. Ứng xử của chủ dự án Cocobay theo tôi thấy, bản thân họ cũng thừa nhận có lỗi, đó là tích cực. Một điểm tích cực nữa là họ đưa ra phương án cho khách hàng. Chọn lựa. Có thể các phương án đó chưa phải là tối ưu, chưa phải là nhất, hợp ý tất cả bởi mỗi khách hàng có những cách đầu tư, lựa chọn, nguồn lực khác nhau, điều kiện nguồn vốn khác nhau”, ông Thành nhận xét. Và chính vì vậy, tìm được một điểm cân bằng cho tất cả trong chuyện này là rất khó.

Trong các phương án phía chủ đầu tư Cocobay đưa ra, ông Thành cho rằng: cũng khá tích cực khi họ xem xét thêm phương án, kiến nghị khác từ phía khách hàng. “Các phương án họ đưa ra chưa phải tối ưu nhất, nhưng cần ghi nhận các bước đi của họ cũng tương đối rõ ràng. Đến giờ phút này, chưa thấy họ trốn tránh”, ông Thành nói. Vị này nhấn mạnh thêm, chủ đầu tư cần tiếp tục lắng nghe để giải quyết các vấn đề của khách hàng.

Không chỉ trách nhiệm từ phía chủ đầu tư, ông Thành cho rằng: Kể cả ngân hàng, chính quyền cũng phải vào cuộc để đưa ra cách xử lý tốt nhất.

“Câu chuyện không chỉ là lợi ích của nhà đầu tư riêng dự án này mà nó còn gắn với xử lý với các dự án khác khi phát sinh”, ông Thành nói. Theo ông Thành, thị trường rất sôi động, linh hoạt, cần có bộ máy pháp lý nhanh, kịp thời, tương tác tốt với thị trường.

Riêng về vấn đề cam kết lãi suất trong condotel nói chung, ông Thành cho rằng mặc dù là thoả thuận dân sự song vẫn phải có những khung pháp lý rõ ràng, chế tài, thông tin minh bạch.

“Thị trường muốn lành mạnh, bên cạnh chống độc quyền thì thông tin phải đầy đủ, minh bạch”, ông Thành nêu quan điểm.

Cocobay tiếp tục gửi thư thuyết phục hơn 1.000 khách mua condotel

Liên quan tới vụ Cocobay Đà Nẵng, ngày 1/12, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô tiếp tục ra công văn 252/CV-TĐ nêu phương án xử lý chi tiết về việc dừng chi trả thu nhập cam kết tại dự án Cocobay.

Theo đó, Công ty Thành Đô khẳng định chi trả cho khách hàng tiền thu nhập cam kết cho đến ngày 31/12/2019 theo thỏa thuận trước đây. Sau thời gian này, chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng sẽ gửi đến khách hàng lộ trình thanh toán.

Nhóm khách hàng muốn nhận bàn giao tài sản là nhà ở liền kề Hoàng Gia, Vườn phố (khối Boutique và Garden Bay) nhằm để ở, hoặc tự chuyển nhượng, hoặc tự kinh doanh, Công ty Thành Đô cho biết trong quý I/2020, sẽ thực hiện tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho từng khối nhà liền kề.

Trong quý II/2020, sẽ thực hiện việc tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho từng căn nhà của các chủ sở hữu trong từng khối nhà (mỗi khối gồm 10 căn).

Khách hàng muốn nhận bàn giao tài sản là căn hộ chung cư, Công ty Thành Đô thông tin số lượng căn hộ chung cư được chuyển đổi là 1.016 căn hộ chung cư/ 1.856 căn condotel (hơn 50%) nên sẽ ưu tiên thực hiện cho những khách hàng đăng ký chuyển đổi trước. Thời hạn đăng ký trước ngày 20/12.

“Nếu hết hạn mức mà các khách hàng vẫn tiếp tục đăng ký chuyển đổi thì chúng tôi không thể thực hiện được”, văn bản nêu.

Đối với nhóm khách hàng không chuyển đổi loại hình tại căn hộ khách sạn Cổ Cò 1, 2, 3 và căn hộ khách sạn Naman Garden, Công ty Thành Đô lý giải tài sản sở hữu là căn hộ khách sạn, không hình thành đơn vị ở nên không được ở dài hạn và không được nhập hộ khẩu.

Tại căn hộ khách sạn Cổ Cò 1, 2, 3, khách hàng sẽ ký hợp đồng dài hạn với tập đoàn quản lý vận hành quốc tế dưới sự bảo lãnh của công ty Thành Đô. Còn các căn hộ tại khách sạn Naman Garden, chủ sở hữu sẽ ký trực tiếp hợp đồng hợp tác với Công ty cổ phần Naman theo hai hình thức là nhận thu nhập cố định hoặc nhận thu nhập theo tỷ lệ tối thiểu 80% từ lợi nhuận kinh doanh (được kiểm toán).

Với nhóm khách hàng muốn thanh lý hợp đồng mua bán, các chi phí hỗ trợ lãi suất vay và chi phí trả nợ trước hạn tại Ngân hàng SHB (nếu có) thu hồi phải là bắt buộc. Trong khi đó, chi phí hỗ trợ bán hàng trước đây, khách hàng và Công ty Thành Đô sẽ thỏa thuận và thống nhất.

“Công ty Thành Đô đã làm việc với Ngân hàng SHB và sẽ công bố công khai các biện pháp đảm bảo thực thi việc trả tiền thanh lý trên nguyên tắc tuân thủ biên bản thanh lý đã ký. Tuy nhiên, trách nhiệm của Công ty Thành Đô vẫn phải trả lãi suất 10%/năm kể từ ngày hai bên ký Biên bản Thanh lý hợp đồng cho đến khi khách hàng nhận được toàn bộ tiền thanh toán”, chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng khẳng định.

H.An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm