Vụ trưởng Tín dụng: Sẵn sàng giải ngân gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Lãnh đạo Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước đã sẵn sàng nguồn lực để triển khai gói hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm Tháo gỡ điểm nghẽn nhà ở xã hội do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay, tại Hà Nội. Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho biết hiện nay, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã sẵn sàng giải ngân gói 120.000 tỷ đồng để cho vay phát triển nhà ở xã hội (NOXH).

Bà Giang khẳng định, phát triển NOXH là chủ trương lớn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng xác định ưu tiên nguồn vốn vay. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Xây dựng để xây dựng chính sách cũng như tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện.

Với một số chương trình tín dụng đã triển khai thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai tích cực cho vay mua NOXH theo Nghị định 100 và Nghị định 49, có chính sách về vốn cả người mua nhà và chủ đầu tư.

Vụ trưởng Tín dụng: Sẵn sàng giải ngân gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội - 1

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (Ảnh: TN).

Nhưng trên thực tế, ngân sách Nhà nước mới bố trí được nguồn lực để triển khai cho người mua nhà. Đến quý I năm nay, chương trình này đạt gần 11.000 tỷ đồng, trong đó hơn 4.000 tỷ đồng được bổ sung theo chương trình phục hồi kinh tế của Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11. Bà Giang khẳng định, ngành ngân hàng, cụ thể là 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước đã sẵn sàng nguồn lực triển khai chương trình, tuy nhiên đến nay chưa phát sinh kết quả.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Hà Quang Hưng, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng đã nói rõ về những vấn đề khó khăn trong thu hút đầu tư, phát triển NOXH.

Theo ông Hưng, pháp luật hiện hành đã có những quy định cụ thể và chi tiết để các đơn vị triển khai đầu tư NOXH. Tuy nhiên, khi theo dõi triển khai luật Nhà ở năm 2014 và các nghị định, thông tư hướng dẫn đầu tư vào NOXH thì có một số nhóm sách khiến các doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn khi đầu tư, tiếp cận NOXH.

Về quỹ đất để phát triển NOXH, Luật Đầu tư quy định chủ đầu tư các dự án nhà thương mại, khu đô thị phải dành 20% diện tích đất trong dự án để phát triển NOXH nhưng đây là quy định khá cứng nhắc.

Cụ thể, trong các dự án có suất đầu tư cao, vị trí đất vàng, hoặc đặc thù như resort, nghỉ dưỡng trên triền núi cao…. thì việc bố trí quỹ đất này để phát triển NOXH là không phù hợp; hoặc các dự án chung cư có suất đầu tư siêu cao, 60-80 triệu/m2 thì bản thân việc bố trí người thu nhập thấp, chỉ phải chịu tiền vận hành cũng khó khăn cho họ. "Theo con số chúng tôi nắm bắt được thì hiện nay chúng ta mới đáp ứng khoảng 35% diện tích quỹ đất yêu cầu về NOXH", ông Hưng cho biết.

Bên cạnh đó, vẫn còn bất cập liên quan đến các chính sách hỗ trợ chủ đầu tư. Dù luật có quy định miễn tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp khoảng 50%, được ưu đãi tiếp cận vốn… Nhưng theo ông, các chính sách chưa thực chất, bởi vì mấu chốt quy định là dù có ưu đãi nhưng chủ đầu tư khi áp dụng ưu đãi thì không được tính vào giá bán, như vậy bản chất là chủ đầu tư không được hưởng, dẫn đến không thu hút được chủ đầu tư.

Ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) chia sẻ rằng nhu cầu về nhà ở xã hội tại Hà Nội rất lớn nên không có lý do gì Sở này trì hoãn thủ tục hành chính về nhà ở xã hội.

Theo ông Thành, đối với các dự án NOXH mà bắt buộc phải đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thì cũng nên có quy định cụ thể về thủ tục, trình tự đấu thầu nhưng trên tinh thần tinh gọn, giảm thiểu nhất có thể để sớm có thêm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu cho người dân.

"Tôi cho rằng, với dự án NOXH, nhà ở công nhân, sinh viên thì thủ tục hành chính phải thiết kế riêng, thật tinh gọn, giảm thiểu hơn dự án nhà ở thương mại. Như vậy, cũng là thu hút được doanh nghiệp tham gia xây dựng, tăng nguồn cung. Đặc biệt, dự án nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng cũng thúc đẩy nhiều ngành nghề khác: vật liệu xây dựng, điện, nội thất… phát triển nên cần tạo điều kiện thuận lợi", ông Thành nhận định.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cho rằng với các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM… phát triển NOXH cần phải khảo sát nhu cầu chính xác đến từng khu vực quận, phường để nắm được số lượng cụ thể, từ đó có căn cứ để bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Làm được như vậy, người dân thậm chí sẽ chỉ phải đi bộ đi làm, còn giúp giảm áp lực lên hạ tầng giao thông.

Vụ trưởng Tín dụng: Sẵn sàng giải ngân gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội - 2

Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình (Ảnh: TN).

"Tôi có 2 khu đất ở Hà Nội, nếu làm nhà ở thương mại diện tích xây dựng khoảng 150.000m2, mỗi m2 làm nhà ở thương mại lời khoảng 2.500 tỷ đồng còn tôi làm NOXH chỉ lời 10% được khoảng, tính ra lãi 200 tỷ đồng", ông Đường nói. Tuy nhiên, theo ông làm NOXH sẽ giải quyết được vấn đề là bán cho tất cả mọi đối tượng trong hệ thống chính trị: công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ trong các lực lương vũ trang, sinh viên… Và trong vòng 20-30 năm tới thị trường NOXH luôn có nhu cầu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm