Vụ trúng đấu giá đất hơn 4 tỷ đồng/m2 ở Mê Linh: Chi tiết gây nhầm lẫn
(Dân trí) - Từ thông tin trên phiếu trả giá vụ đấu giá đất tại huyện Mê Linh (Hà Nội) giá 4,28 tỷ đồng/m2 gây xôn xao, chuyên gia bất động sản phân tích về nguyên nhân dẫn tới việc trả giá nhầm.
Trả hơn 4 tỷ đồng/m2 đất đấu giá do ghi nhầm
Tại phiên đấu giá đất cuối cùng của năm 2023 ở huyện Mê Linh, ông Nguyễn Thanh Tùng đã trả 4,28 tỷ đồng/m2, cao hơn 142 lần giá khởi điểm cho thửa đất 102m2 tại xã Tiến Thịnh.
Tuy nhiên, sau khi phiên đấu giá kết thúc, ông Tùng bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng xem xét cho xin rút lại tiền cọc hơn 600 triệu đồng (bằng 20% giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm) với lý do ghi nhầm giá.
Sáng 3/1, trao đổi với phóng viên Dân trí về hướng xử lý sự việc này, ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, cho biết, về nguyên tắc, quy chế đấu giá, người trúng đấu giá phải thực hiện nghĩa vụ tài chính. Ngược lại, nếu người trúng đấu giá không thực hiện nghĩa vụ trên, đồng nghĩa với việc mất cọc.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc trả giá hơn 4 tỷ đồng/m2 trên là việc nhầm lẫn bình thường. Cơ quan chức năng của huyện đang xem xét lại một cách cụ thể về sự việc này, từ đó đưa ra hướng giải quyết hợp lý, theo quy định pháp luật.
"Là cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi sẽ làm đúng và chặt chẽ theo nguyên tắc để bảo vệ quyền lợi của những người liên quan tới phiên đấu giá này", ông Tuấn khẳng định.
Theo Cổng thông tin điện tử huyện Mê Linh, chiều 30/12/2023, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam tổ chức thành công phiên đấu giá quyền sử dụng đất đối với 46 thửa đất tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh.
46 thửa đất được đưa ra đấu giá có diện tích từ 83,7m2 đến 297,1m2; giá khởi điểm từ 23,2 triệu đồng/m2 đến 31,9 triệu đồng/m2.
Kết quả, giá trúng thấp nhất là 23,4 triệu đồng/m2, cao nhất lên đến 47,6 triệu đồng/m2. Tổng số tiền trúng đấu giá thu về trên 150 tỷ đồng, chênh hơn 25 tỷ so với giá khởi điểm.
Thông tin trên phiếu trả giá gây hiểu nhầm?
Liên quan tới sự việc này, trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh nhận định, đã có sai sót trên phiếu trả giá. Ông Đỉnh nói sai sót này rất căn bản, không đáng có khiến cho người tham gia đấu giá bị nhầm lẫn.
Cụ thể, người tham gia đấu giá có thể đã nhầm giữa đơn giá đất (tính theo đồng/m2) với giá trọn gói của thửa đất (tính theo đơn vị VND), tức là có thể về mặt ý chí, ông Nguyễn Thanh Tùng đã trả giá 4,28 tỷ đồng/toàn bộ thửa đất nhưng thông tin trên phiếu trả giá yêu cầu người tham gia trả giá theo m2.
"Lẽ ra ông Nguyễn Thanh Tùng phải chia 4,28 tỷ đồng cho 102m2, tương đương 41,96 triệu đồng/m2 để điền vào phiếu. Tuy nhiên, thay vì điền 41,96 triệu đồng/m2, ông Tùng lại điền 4,28 tỷ đồng/m2", ông Đỉnh phân tích.
Qua nghiên cứu hồ sơ mời tham gia đấu giá được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử huyện Mê Linh, ông Đỉnh phân tích lý do dẫn đến sự nhầm lẫn của người tham gia đấu giá là mẫu phiếu trả giá ghi: "Tôi xin trả giá cho thửa đất có ký hiệu… đã đăng ký đấu giá là: Số tiền: … (bằng số) đồng/m2; Bằng chữ: … đồng", ông Đỉnh dẫn chứng.
Như vậy, theo ông Đỉnh, ở đây đã có sai sót trên phiếu trả giá, có sự không thống nhất về đơn vị: Số tiền bằng số là đồng/m2; bằng chữ là đồng (lẽ ra số tiền bằng chữ cũng phải là đồng/m2).
"Từ sai sót này có thể đặt dấu hỏi về năng lực của tổ chức đấu giá tài sản, làm sao có thể để một sai sót rất căn bản và không đáng có như vậy xảy ra? Từ đây, có thể thấy có căn cứ về việc ông Tùng bị nhầm lẫn do phiếu trả giá có sai sót", ông Đỉnh nhấn mạnh.
Về hướng giải quyết sự việc này, ông cho rằng, Điều 72 Luật Đấu giá tài sản 2016 đã quy định về các trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản, tuy nhiên không có trường hợp nào áp dụng trực tiếp cho trường hợp của ông Tùng.
Tuy nhiên, theo ông Đỉnh, trường hợp này ông Nguyễn Thanh Tùng có thể neo theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Đấu giá tài sản về việc kết quả đấu giá tài sản bị hủy "Theo thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản và người trúng đấu giá về việc hủy kết quả đấu giá tài sản…"
Theo đó, ông Tùng có thể căn cứ vào sai sót trên phiếu trả giá, căn cứ phán quyết của tòa án tuyên vô hiệu giao dịch do nhầm lẫn (nếu có) để yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá phải đàm phán, thương thảo về việc hủy kết quả đấu giá tài sản.
"Trường hợp này, tổ chức đấu giá tài sản (công ty đấu giá) có thể phải bồi thường cho người có tài sản đấu giá (UBND huyện Mê Linh) theo điểm đ khoản 2 Điều 24 Luật Đấu giá tài sản và hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản đã ký", ông Đỉnh chia sẻ.