Vụ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội: Sắp thanh tra loạt dự án khu đô thị

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Một trong hai chuyên đề lớn Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tổ chức thực hiện trong năm 2022 là việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

Thông tin trên vừa được đưa ra tại hội nghị báo cáo kết quả công tác thanh tra 10 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm và dự kiến kế hoạch năm 2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng diễn ra hôm nay (3/11).

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tham dự, chỉ đạo. Ngoài ra, hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan. 

Báo cáo Bộ trưởng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng - đề xuất kế hoạch thanh tra năm 2022. Thanh tra Bộ Xây dựng dự kiến tiến hành thanh tra hành chính từ 2 đến 3 đoàn.

Ngoài ra thanh tra chuyên ngành từ 5 đến 8 đoàn, bao gồm việc quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại một số dự án do bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư (từ 2 đến 3 đoàn); việc quản lý nhà nước về xây dựng của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ 2 đến 3 tỉnh) trong 7 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

Vụ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội: Sắp thanh tra loạt dự án khu đô thị - 1

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TTB).

Đáng chú ý, năm 2022, Thanh tra Bộ xây dựng đề xuất thực hiện 2 chuyên đề diện rộng (đã được Thanh tra Chính phủ hướng dẫn tại văn bản số 1899/TTCP-KHTH ngày 26/10/2021).

Trong đó nội dung chuyên đề 1 về thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn tỉnh (thành phố); Nội dung chuyên đề 2 về việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, sau khi kiểm tra, rà soát không trùng với Kế hoạch của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ, đối tượng thanh tra của 2 nội dung chuyên đề là chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tại nhiều tỉnh, thành phố.

Ngoài các nội dung thanh tra theo kế hoạch, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng cho biết sẽ tiến hành tra đột xuất theo yêu cầu, chỉ đạo của Bộ trưởng để phục vụ công tác quản lý nhà nước và kiểm tra xác minh giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng.

Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã đồng ý giao Thanh tra Bộ thanh tra việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, trong đó chú trọng đối với nhà ở công nhân và thanh tra diện rộng về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư tại một số địa phương trên toàn quốc có nhiều đơn thư khiếu nại của cư dân.

Trong đó, thanh tra việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác thanh tra chuyên ngành năm 2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị ghi nhận đóng góp của Thanh tra Bộ nhiều năm. Bộ trưởng cũng yêu cầu Thanh tra Bộ tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra mẫu mực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có lập trường, tư tưởng, quan điểm rõ ràng, giữ vững nguyên tắc kỷ luật, kỷ cương, công tâm, khách quan; cầu thị, lắng nghe, chuẩn mực trong ứng xử…

24 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý về kinh tế hàng trăm tỷ đồng

Báo cáo về kết quả công tác thanh tra tại hội nghị sơ kết, lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết năm 2021 đã triển khai 3 đoàn thanh tra theo kế hoạch; 5 đoàn kiểm tra, xác minh giải quyết theo đơn thư khiếu nại, tố cáo và chỉ đạo của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ.

Đồng thời cử cán bộ tham gia 4 đoàn thanh tra, rà soát giải quyết khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Chính phủ thành lập tại Thành phố Hà Nội và 2 tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam.

Cũng nằm trong 10 tháng năm 2021, Chánh Thanh tra Bộ đã ký ban hành 24 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý về kinh tế số 341,9 tỷ đồng, trong đó:

Kết luận thanh tra trong công quản lý nhà nước về xây dựng và quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, yêu cầu xử lý về kinh tế số tiền 3,3 tỷ đồng; ban hành 7 quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 602,5 triệu đồng.

18 kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư đã buộc 12/18 chủ đầu tư phải thực hiện gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán số liệu để chuyển sang ngay trong vòng 10 ngày cho ban quản trị nhà chung cư, tổng số kinh phí bảo trì là hơn 344,96 tỷ đồng.

Đồng thời buộc chủ đầu tư trả lại trong thời hạn 20 ngày với diện tích 2.080 m2 lấn chiếm phần sở hữu, sử dụng chung về cho cư dân (tương đương số tiền khoảng 62,4 tỷ đồng).

Qua thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã tổng hợp, bổ sung mới vào Nghị định thay thế Nghị định 139 với 23 hành vi vi phạm, đề xuất tăng mức xử phạt 300 triệu đồng cho mỗi hành vi vi phạm trong công tác quản lý kinh phí bảo trì chung cư; tham mưu trình Bộ trưởng ban hành Chỉ thị số 02 chấn chỉnh việc quản lý sử dụng kinh phí bảo trì trên toàn quốc tạo được sự đồng thuận của các địa phương. Do đó, những tháng gần đây, tình trạng đơn thư, căng băng rôn khẩu hiệu tại các nhà chung cư đã giảm đáng kể.