Phát triển đô thị, nhà ở xã hội nằm trong "tầm ngắm" kiểm toán sắp tới

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước cho biết năm 2022 dự kiến lựa chọn 11 chủ đề kiểm toán hoạt động, trong đó tập trung vào xử lý rác thải, phát triển đô thị, nhà ở xã hội, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng...

Phát triển đô thị, nhà ở xã hội nằm trong tầm ngắm kiểm toán sắp tới - 1

Kiểm toán Nhà nước dự kiến lựa chọn 11 chủ đề kiểm toán hoạt động, trong đó tập trung kiểm toán các chủ đề liên quan đến phát triển đô thị, nhà ở xã hội... (Ảnh: Việt Vũ).

Báo cáo gửi Quốc hội về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2022, Kiểm toán Nhà nước cho biết toàn ngành tập trung kiểm toán 168 cuộc kiểm toán (thống kê theo nhiệm vụ kiểm toán), giảm so với năm nay.

Trong đó về lĩnh vực ngân sách nhà nước, Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ kiểm toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương, báo cáo quyết toán của bộ, cơ quan trung ương của 25 bộ, cơ quan trung ương (đạt tỷ lệ 61% - 25/41 đầu mối kiểm toán các bộ, cơ quan trung ương); tương ứng 16 cuộc kiểm toán (15 cuộc kiểm toán việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công và báo cáo quyết toán năm 2021 tại 15 bộ, cơ quan trung ương; 01 cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán của 10 bộ, cơ quan trung ương).

Về kiểm toán ngân sách địa phương, Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương của 59 địa phương; tương ứng 48 cuộc kiểm toán (27 cuộc kiểm toán ngân sách địa phương; 20 cuộc kiểm toán ngân sách địa phương và báo cáo quyết toán ngân sách; 1 cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách của 12 địa phương).

Ngoài ra theo cơ quan kiểm toán, năm 2022 cũng dự kiến lựa chọn 11 chủ đề kiểm toán hoạt động, trong đó tập trung kiểm toán các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu, phát triển đô thị, nhà ở xã hội, ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội và việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu...

Đồng thời dự kiến lựa chọn 25 cuộc kiểm toán chuyên đề, gồm 4 cuộc kiểm toán chuyên đề phạm vi rộng như quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tập đoàn tổng công ty và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; việc thực hiện chính sách xã hội hóa; việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công ích giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021 tại Quảng Bình, Cà Mau, Lào Cai, Đồng Nai, Bắc Ninh.

Theo Kiểm toán Nhà nước việc thực hiện chuyên đề "Công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021" là nhằm đánh giá việc phân cấp quản lý các loại đất, quy hoạch sử dụng đất, cấp quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất... Qua đó tổng hợp các bất cập về cơ chế chính sách và việc thực hiện Luật Đất đai năm 2013, góp phần phục vụ việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.

Ngoài ra thực hiện kiểm toán một số chuyên đề về việc phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quản lý, bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng đất trồng rừng, đầu tư trồng và chăm sóc rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn; phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, quy hoạch phát triển điện lực; cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo; nước sạch và vệ sinh nông thôn; phát triển đô thị và quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế...

Trong lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết dự kiến thực hiện 17 cuộc kiểm toán, gồm: Ngân hàng Nhà nước; 9 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 7 ngân hàng, các tổ chức tài chính, tín dụng và tổ chức khác.

Đồng thời năm 2022, cơ quan kiểm toán cũng sẽ thực hiện 28 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; các dự án đường ven biển Việt Nam; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án thủy lợi và các dự án trọng điểm ngành điện...