Vì sao ông chủ Nintendo từ chối đuổi nhân viên để giảm chi phí?

Mai Nâu

(Dân trí) - "Nếu nhân viên vừa làm việc vừa lo bị sa thải, họ chắc chắn sẽ không thể tạo ra những trò chơi làm lay động trái tim của người chơi", Iwata nói.

Satoru Iwata là một nhân vật độc đáo trong thế giới trò chơi điện tử. Hầu hết các nhân vật nổi tiếng trong ngành đều là nhà thiết kế, đạo diễn, nghệ sĩ và nhạc sĩ, nhưng Iwata được yêu thích không phải vì trực tiếp tham gia vào bất kỳ khâu sáng tạo trò chơi cụ thể nào, mà vì khả năng quản lý Nintendo với vai trò chủ tịch công ty, kéo dài từ năm 2002 cho đến khi ông qua đời vào năm 2015.

Có vẻ như những quyết định kinh doanh của ông đã thu hút được rất nhiều người hâm mộ. Nhưng một giai thoại từ đại hội cổ đông của Nintendo đã đem đến một ví dụ rõ ràng về lý do tại sao Iwata được yêu mến và tôn trọng như vậy, thậm chí 5 năm sau khi ông qua đời.

Vào đầu những năm 2010, Nintendo đang gặp khó khăn về tài chính. Bắt đầu từ năm 2010, doanh số bán hàng đã giảm từ năm này qua năm khác và công ty phải chịu lỗ vào năm 2012, sau sự ra mắt mờ nhạt của Wii U. Các nhà đầu tư đã thể hiện sự lo lắng trong cuộc họp cổ đông diễn ra vào tháng 6/2013 khi đối thủ là Sony dự kiến sẽ phát hành PlayStation 4 vào cuối năm, tạo nên mối nguy cơ hiện hữu cho Nintendo.

Vì sao ông chủ Nintendo từ chối đuổi nhân viên để giảm chi phí? - 1

Ông Satoru Iwata. Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp, một người đưa ra thực tế rằng doanh số bán hàng của Nintendo trong năm, mặc dù giảm, nhưng vẫn bằng những gì họ đã đạt được vào năm 2000. Tuy nhiên, công ty đã có lợi nhuận đáng kể vào năm 2000. Vì vậy, nếu bây giờ họ đang gặp lỗ thì đó có phải là do chi phí quá cao?

Iwata thậm chí còn được hỏi trực tiếp rằng bản thân ông liệu có nghĩ rằng điều tốt nhất cho công ty lúc này là mạnh tay cắt giảm lượng lớn nhân sự.

"Nếu tôi hiểu đúng câu hỏi của ông, thì ông đang muốn hỏi vì sao chúng ta không làm ra lợi nhuận ở thời điểm này, trong khi trong quá khứ ta vẫn sinh lời với cùng một khoản doanh thu?", Iwata bình tĩnh đáp lời, sau đó giải thích về nguyên nhân.

Theo ông, USD và EUR giảm giá so với đồng yên Nhật, khiến nguồn thu ngoại tệ đóng góp ít hơn vào tổng doanh thu của công ty dù lượng bán hàng không thay đổi. Trong khi đó, phần lớn hoạt động sản xuất và điều hành đều diễn ra ở Nhật Bản, nơi tiền lương được trả bằng đồng nội tệ, dẫn tới cơ cấu thu chi bị chênh lệch lớn.

Nhưng với Iwata, điều đó không thể trở thành lý do để sa thải nhân viên người Nhật. "Nếu nhân viên vừa làm việc vừa lo bị sa thải, họ chắc chắn sẽ không thể tạo ra những trò chơi làm lay động trái tim của người chơi", Iwata nói.

Iwata tin rằng việc sa thải sẽ làm suy giảm tinh thần của nhân viên. Nếu bạn đi làm mà tâm trí cứ lởn vởn với câu hỏi "Ngày mai mình có việc làm không?" thì sẽ càng khó để tìm được câu trả lời cho "Đâu sẽ là sức mạnh tuyệt vời cho Mario trong trò chơi tiếp theo?"

"Rõ ràng chúng ta cần giảm chi phí không cần thiết và tìm kiếm những cách làm việc hiệu quả hơn, trong khi đảm bảo doanh thu vượt quá chi phí đó. Có thể sẽ có công ty nào đó ngoài kia cho rằng họ 'sẽ thu lại lợi nhuận bằng cách sa thải nhiều người', nhưng ở Nintendo, chính những đóng góp của từng nhân viên trong từng bộ phận đã tạo nên công ty này. Tôi không tin rằng việc cắt bỏ một phần nhân sự với lý do công ty đang ở trong tình thế khó khăn, vì vậy người đó phải rời đi sẽ tạo ra hiệu quả lâu dài".

Sau quyết định của Iwata, những thay đổi tích cực không đến với Nintendo không nhanh chóng và dễ dàng. Công ty này vẫn thua lỗ tiếp suốt năm 2013 và 2014. Mọi việc chỉ dần xoay vần vào năm 2015, khi công ty đã tạo ra lợi nhuận trở lại và hiện ở trạng thái tài chính tốt nhất từng có. Điều này cho thấy thái độ đáng ngưỡng mộ của Iwata đã đúng và hành động đẳng cấp cho tới phút cuối cùng đã tạo nên một thành quả nữa trong sự nghiệp của Iwata.