Vì sao người Nhật không nói chuyện điện thoại trên tàu, xe công cộng?

Kiên Tô

(Dân trí) - Ở Nhật, nói chuyện qua điện thoại được coi là hành vi xâm phạm quyền riêng tư nếu để những người xung quanh nghe thấy cuộc hội thoại.

Nếu di chuyển bằng tàu điện ngầm hoặc xe lửa ở tất cả các khu vực của Nhật Bản (ngay cả những thành phố sầm uất và đông đúc như Tokyo và Osaka), bạn có thể sẽ nhận thấy mọi người đều yên lặng. Người ta không nói chuyện điện thoại, và thậm chí hiếm khi nói chuyện với nhau.

Ngoài ra, bạn cũng có thể bắt gặp các thông báo nhắc nhở hành khách không nói chuyện điện thoại ở trên tàu hoặc phương tiện giao thông công cộng. Một số nhà ga còn dán áp phích hướng dẫn các quy tắc cư xử bằng tiếng Anh.

Xã hội Nhật Bản coi trọng không gian riêng, cũng như quyền riêng tư của người khác, và việc hạn chế nói chuyện điện thoại trên các phương tiện giao thông công cộng là một trong những biểu hiện đặc trưng.

Vì sao người Nhật không nói chuyện điện thoại trên tàu, xe công cộng? - 1

Người Nhật không nói chuyện điện thoại trên phương tiện công cộng. Ảnh: Ajapper

Không phải nói quá khi đề cập tới tầm quan trọng của quyền riêng tư ở Nhật Bản và mức độ nghiêm túc mà người Nhật nhìn nhận vấn đề này. Ở nơi công cộng, mọi người thường phải lưu ý xem mình có đang xâm phạm quyền riêng tư của người khác hay không và kiềm chế gây ra những hành động như vậy.

Việc nói chuyện riêng qua điện thoại được coi là hành vi xâm phạm quyền riêng tư nếu những người xung quanh có thể nghe thấy cuộc hội thoại bởi họ buộc phải nghe dù muốn hay không.

Trên tàu hỏa và xe buýt ở Nhật, mọi người chủ yếu sử dụng thời gian di chuyển của họ để ngủ, suy nghĩ, làm việc hoặc đọc sách. Có những người phải làm công việc kéo dài nhiều giờ và thường xuyên bị căng thẳng. Một chuyến tàu hay một chuyến xe đối với họ là khoảng lặng hiếm hoi.

Do đó, đừng ngạc nhiên nếu bạn gặp phải những ánh nhìn khó chịu khi nói chuyện điện thoại trên các phương tiện công cộng. Trong một số trường hợp, có người thậm chí còn ra hiệu, yêu cầu bạn kết thúc cuộc trò chuyện.

Cũng liên quan đến nhu cầu đề cao sự riêng tư cá nhân, có một thực tế là trong xã hội Nhật Bản, người ta có xu hướng giữ mình. Người Nhật thường không tham gia vào các vụ tranh chấp, ồn ào ở nơi công cộng, không lắng nghe cuộc trò chuyện của người khác hoặc tham gia vào công việc của người khác. Tương tự, nếu một người đang tranh luận, cãi vã với ai đó, họ cũng mong không ai can thiệp vào chuyện của mình.

Đây được coi là trường hợp gây tranh cãi trong xã hội Nhật Bản. Đã có báo cáo về các trường hợp phụ nữ bị quấy rối tình dục rất công khai trên các phương tiện giao thông công cộng, và những người xung quanh không can dự dù phần lớn nạn nhân đều cần sự giúp đỡ.