Vạch trần "trăm mưu, ngàn kế" của cò đất bẫy nhà đầu tư
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, nhà đầu tư Việt Nam vẫn còn tâm lý đầu tư “liều ăn nhiều”, sẵn sàng rót tiền như thiêu thân theo cơn sốt đất.
Đã có người thành công, nhưng cũng không ít nhà đầu tư ngậm trái đắng, mắc cạn trong nợ nần.
Nợ nần khi lao theo cơn sốt đất
Thời gian gần đây, tại xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất) bất ngờ xảy ra hiện tượng “sốt đất”, người dân và nhà đầu đổ dồn về khu vực này tìm hiểu thị trường, khiến cho giá trị đất tăng chóng mặt.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV báo Dân trí, thực chất cơn sốt đất tại Đồng Trúc chỉ là chiêu trò của giới “cò” đất, mục đích là tạo “sóng” và làm tăng giá trị đất một cách bất hợp lý.
UBND xã Đồng Trúc ngay sau đó cũng ra thông báo, hiện nay chưa có dự án nào được phê duyệt quy hoạch tại xã Đồng Trúc, và cảnh báo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi giao dịch.
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên, giới “cò” đất tung tin đồn để câu kéo nhà đầu tư tham gia thị trường. Đã có rất nhiều bài học được rút ra từ các cơn sốt đất ảo trước đó, như sốt đất ở Đà Nẵng, Đồng Nai, Đông Anh (Hà Nội)... khiến nhiều nhà đầu tư lâm vào cảnh thua lỗ, nợ lần.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc của một sàn giao dịch BĐS Hà Nội cho biết: “Nhà đầu tư Việt Nam quá liều khi đặt niềm tin vào nhân viên môi giới tự do, họ chỉ nghĩ đơn giản, đất mua rồi là của mình, để lâu kiểu gì cũng tăng giá.
Chính vì vậy, rất nhiều người cố gắng vay tiền ngân hàng để ôm đất, sau khi cơn sốt đi qua, giá đất giảm mạnh, nhà đầu tư lỗ nặng nhưng phải cắt lỗ để thanh toán tiền lãi ngân hàng mỗi tháng”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, tại thị trường BĐS Việt Nam có cơn sốt đất thật sự, nhưng cũng có cơn sốt “ảo” là do một nhóm “cò” đất đứng đằng sau giật dây với mục đích lừa đảo.
Trước những nguy cơ tiềm ẩn khi nhà đầu tư “liều” theo cơn sốt đất, ông Đính khuyến cáo: “Nếu nhà đầu tư muốn tham gia vào các cơn sốt đất, trước hết phải xem xét quy hoạch chi tiết dự án và tìm hiểu thêm các đơn vị tư vấn, các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực này”.
Bên cạnh đó, theo ông Đính, cần phải nắm rõ thông tin và tìm hiểu người giao dịch đất là ai, có tên tuổi trên thị trường hay không. Nếu là nhân viên tư vấn tự do thì không nên lao theo một cách mù quáng.
Ông Đính nhấn mạnh: “Để nhận biết được có phải sốt đất ảo hay không, nhà đầu tư phải so sánh giá đất với thời điểm chưa sốt. Nếu giá tăng giảm một vài phần trăm, nhà đầu tư có thể tham gia vào thị trường. Còn nếu giá tăng theo ngày, hoặc giá trị đất tăng theo chiều thẳng đứng thì nên tránh”.
Những thủ đoạn tạo “sóng” của “cò” đất
Hiện nay, giới “cò” đất có rất nhiều thủ đoạn để kích “sóng ảo”, đẩy “sóng” nhằm tăng giá bán lên cao một cách bất hợp lý.
Theo ông Đính, bản chất mọi hiện tượng sốt đất đều bắt nguồn từ các thông tin về quy hoạch, đầu tư hạ tầng của các địa phương hoặc dựa theo các dự án BĐS lớn, mới quy hoạch.
Cũng theo ông Đính, để đạt được mục đích tạo “sóng”, giới “cò” đất còn tự tạo tin đồn, sử dụng thông tin giả, quy hoạch giả. Thậm chí, nhiều vụ còn làm giả văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, hoặc Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố.
Sau khi tạo được tin đồn, giới “cò” đất bắt đầu tiếp cận nhà đầu tư thông qua mạng xã hội, hoặc gọi điện tư vấn trực tiếp về xu hướng “đón đầu quy hoạch”. Đồng thời, “cò” đất phải tự tạo kịch bản, tạo tình huống giống như thật để tạo lòng tin cho nhà đầu tư.
Ví dụ như, thuê một nhóm khoảng vài chục, tới vài trăm người giả làm nhà đầu tư đến tìm hiệu thị trường. Nhóm người này sẽ có nhiệm vụ làm tăng giá trị đất và khiến thị trường giao dịch trở nên sôi động, nhốn nháo, khiến nhà đầu tư tin tưởng mà xuống tiền.
Trên thực tế, rất nhiều nhà đầu tư không chuyên nghiệp, trong đó có cả nông dân, chủ đất ở khu vực “sốt đất ảo” đã bị giới “cò” đất lừa bởi các thủ đoạn này. Trong đó, cơn sốt đất ở Ba Vì là bài học rất đắt giá vẫn còn để lại hậu quả tới ngày nay.
“Lợi dụng thông tin cơ quan hành chính Nhà nước sẽ chuyển về Ba Vì, rất nhiều nông dân đã bán cho “cò” rồi, nhưng hôm sau có người đến trả giá cao hơn, hôm sau nữa lại có người trả cao gấp 3, thế là họ đi vay ngân hàng, vay nóng, vay lãi mua lại đất của chính mình, thậm chí mua thêm đất ở nơi khác để chờ thời. Sau khi lừa người dân mua đất với giá cao, “cò” đất vội vàng rút đi, cuối cùng chính người nông dân lại “mắc cạn” phải ăn trái đắng trong ngập trong nợ nần”, ông Đính nói.
Hiện tại, với nhiều bài học từ việc đầu tư theo sốt đất, ông Đính cho rằng nhà đầu tư mới bước chân vào thị trường cần phải tỉnh táo, tránh “sập bẫy” trở thành nạn nhân của những cò mồi môi giới.
Bên cạnh đó, tại các khu vực này, chính quyền nhiều địa phương cũng cần nhanh chóng vào cuộc, có những biện pháp mạnh tay, để ngăn chặn tình trạng “thổi giá”, lừa đảo người mua của những đối tượng cò đất.
Việt Vũ