Trúng đấu giá cao rồi xin bỏ cọc: Những lô chưa đấu ảnh hưởng ra sao?

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Theo thông tin từ Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn còn 51 lô đất với diện tích khoảng 79,3 ha đủ điều kiện đấu giá.

Trúng đấu giá cao rồi xin bỏ cọc: Những lô chưa đấu ảnh hưởng ra sao? - 1

Cận cảnh lô đất hơn 10.000 m2 Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa xin bỏ cọc (Ảnh: Hữu Khoa).

Bình luận về vụ Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc gây xôn xao dư luận tuần qua, chuyên gia cho rằng khả năng TPHCM sẽ tổ chức đấu giá lại lô đất là rất cao.

Theo quy định, doanh nghiệp khi đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản thì cần có văn bản chính thức gửi Trung tâm Phát triển quỹ đất, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TPHCM. Sau đó doanh nghiệp được cơ quan chức năng hướng dẫn các thủ tục theo quy định pháp luật để hủy hợp đồng mua bán đã ký trước đó cũng như nhận thông báo quyền, nghĩa vụ phát sinh.

Việc giá đất trúng đấu giá quá cao hay việc doanh nghiệp xin bỏ cọc gây ầm ĩ dư luận đều sẽ tạo áp lực lên lô đất vừa bị xin bỏ cọc (lô 3-12 - PV) khi đem đấu lại và các lô đất chưa đấu ở Thủ Thiêm, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn - nói khi chia sẻ với Dân trí. Hiện cũng chưa có quy định nào liên quan đến việc xác định mức giá trần cho các phiên đấu giá bằng hình thức trả giá lên nên cơ quan chức năng cũng không thể "khống chế" giá đất.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - cho rằng giá đất trúng đấu giá Thủ Thiêm quá cao có thể "gây khó" cho việc đấu giá các lô đất còn lại của Thủ Thiêm và các lô đất khác trên địa bàn thành phố và "gây khó" cho cán bộ công chức tham gia trực tiếp công tác xác định tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại.

Ông Châu cho biết, khu đô thị mới Thủ Thiêm còn 51 lô đất với diện tích khoảng 79,3 ha đủ điều kiện đấu giá, trong đó có 6 lô đất tại khu 2C thuộc khu chức năng số 1 bao gồm 2 lô được quy hoạch Trung tâm hội nghị triển lãm và lô 7.1 được quy hoạch khách sạn nghỉ dưỡng đủ điều kiện có thể đưa ra đấu giá vào đầu năm 2022.

Bên cạnh đó, thành phố còn đang chuẩn bị cho phép bán đấu giá 3.790 căn hộ nhà chung cư, có nguồn gốc là nhà tái định cư từ Lô R1 đến R5 tại phường Bình An, liền kề Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

"Hiện nay, cũng có vài chục dự án nhà ở thương mại của các doanh nghiệp đang chờ thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất", ông Châu thông tin.

Theo chuyên gia, công tác xác định "giá đất cụ thể" để tính "giá khởi điểm đấu giá" hoặc để tính "tiền sử dụng đất" thì giá đất trúng đấu giá lại là một trong các căn cứ tham chiếu theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 112 Luật Đất đai 2013. Theo đó, việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất…

Còn trong trường hợp tại khu vực định giá đất không đủ thông tin thì có thể thu thập thông tin tại khu vực lân cận với khu vực có thửa đất cần định giá.

Do vậy, theo ông Lê Hoàng Châu, ầm ĩ trong đấu giá đất vừa qua có thể làm cho cán bộ công chức "ngán ngại", sợ trách nhiệm, có thể làm cản trở việc tính "giá khởi điểm đấu giá" hoặc làm chậm thêm việc tính "tiền sử dụng đất" dự án bất động sản, nhà ở thương mại.

Được biết, theo quy định, trong vòng 30 ngày kể từ ngày 6/1/2022, thời điểm Cục Thuế TPHCM ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, doanh nghiệp trúng đấu giá đất phải đóng lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất; chậm nhất trong 90 ngày kể từ ngày 6/1, các đơn vị trúng đấu giá nộp 50% số tiền sử dụng đất còn lại.

Vì chưa đến thời hạn nên vẫn chưa có thông tin cụ thể về việc 3 doanh nghiệp còn lại trúng đấu giá (trừ Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc) có tiếp tục hay không.

Trước đó ngày 6/1, ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, đã ký thông báo nộp tiền sử dụng đất 37.364 tỷ đồng và 1,5 tỷ đồng lệ phí trước bạ đối với 4 doanh nghiệp trúng đấu các lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.