Trầm trồ nhà gỗ bạc tỷ từng bậc nhất miền Bắc
Toàn bộ ngôi nhà dùng loại gỗ chò chỉ già tuổi, được thiết kế theo dạng cột trơn, hai bên chồng cánh, giữa là kẻ chuyền con cung… đúng kiểu nhà cổ.
Đó là ngôi nhà gỗ của ông Đào Văn Hạ (94 tuổi) xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, Hà Nam. Năm 2008, ông Hạ cùng người con trai xuống một cơ sở bán gỗ ở Nam Định đặt mua hơn 2 tỷ tiền gỗ chò chỉ. Sau đó, ông thuê ô tô chở về nhà và dựng lên ngôi nhà gỗ trong khuôn viên rộng 1.500 mét vuông.
Toàn bộ ngôi nhà chỉ dùng một loại gỗ chò chỉ già tuổi, được thiết kế theo dạng cột trơn, hoành soi cạnh, hai bên chồng cánh, giữa là kẻ chuyền con cung… đúng kiểu nhà cổ.
Cánh cửa, hoành đều trạm, đục hoa lá hay những Hán tự cổ. Ngay cả cái bậu cửa cũng được vuốt những đường rất kỳ công, phẳng lỳ. Theo ông Hạ, riêng tiền công đục chạm hết 650 triệu, chưa kể tiền sắm sửa nội thất trong nhà.
Ngôi nhà làm theo kiểu 5 gian, trong đó có hai buồng, toàn bộ thành vách đều bằng gỗ. Nội thất trong nhà, chủ nhân cũng thiết kế, lắp đặt theo lối cổ kính. Từ lọ hoa, cái bàn, cái tủ, đến cái phản gỗ hương dày cả gang tay… tất tật đều được gia chủ lên ý tưởng rồi đặt đóng với số tiền vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng.
Chủ nhân của ngôi nhà cho hay, kể từ khi khởi công ngôi nhà cho đến khi hoàn thiện đã có hàng trăm đoàn khách đến chiêm ngưỡng, thăm quan. Người trong làng, ngoài xã hay ở địa phương khác đến ai nấy đều ngỡ ngàng trước độ hoành tráng, lối kiến trúc cổ của ngôi nhà.
Hai gian hai bên hông của ngôi nhà ông Hạ đều kê một bộ bàn ghế làm bằng gỗ gụ để tiện cho việc đón, tiếp khách. “Ngôi nhà được thiết kế theo kiến trúc cổ nên gia đình rất ưng và thích. Ở trong ngôi nhà này mùa hè thoáng mát, còn mùa đông lại ấm”, ông Hạ nói.
Chiếc giường ngủ cũng được gia chủ đặt, thiết kế đóng theo lối cổ kính. Theo chủ nhân của ngôi nhà, mất hơn nửa năm tốp thợ hơn chục người mới thi công, lắp ghép xong ngôi nhà.
Tại khu vực bàn ngồi tiếp khách, một bức tranh được treo trang trọng. Ông Hạ cho biết, ngoài số tiền gia đình ông bỏ ra, con trai ông làm kinh doanh mỏ đá cũng hỗ trợ, bỏ ra một số tiền lớn để ông có thể hoàn thiện hai ngôi gỗ vào cùng một thời điểm.
Gian giữa, ông Hạ đặt một chiếc sập làm bằng gỗ gụ. Theo lời chủ nhân, ở điểm năm 2008, ngôi nhà của ông được coi là một trong những ngôi nhà gỗ “khủng” nhất miền Bắc. Còn thời điểm hiện tại, có nhiều công trình nhà gỗ to, đắt tiền hơn nhà của ông.
Các hoa văn trên các cột, kèo của ngôi nhà gỗ, tất cả các hoa văn này đều được các thợ mộc ở Nam Định đục đẽo, khắc rất tỉ mỉ.
Phần cửa phía trước của ngôi nhà gỗ “khủng”. Các cánh cửa đều được điêu khắc hoa văn, hoa lá, chim muông.
Gia chủ còn cầu kỳ đặt thợ ở Thanh Hoá xẻ đá làm một cái nền toàn bằng đá xanh, cao chừng 1,5m, trên đó có 9 bậc. Một tốp thợ cỡ chục người làm cật lực gần nửa tháng mới ráp những tảng đá xẻ lớn vào nhau và khít đến độ không có kẽ nào con kiến, con mối có thể chui lọt.
Theo lý giải của ông Hạ, sở dĩ chọn 9 bậc là bởi từ xưa số 9 luôn được coi như là biểu trưng của sự quyền uy và sức mạnh. Ngai vua thường đặt trên 9 bậc, vua chúa thường cho đúc cửu đỉnh (9 cái đỉnh) để minh họa cho quyền lực của mình.
Ngoài ngôi nhà gỗ chò chỉ, cùng năm 2008, ông Hạ còn bỏ ra số tiền 1,5 tỷ đồng đặt mua ngôi nhà gỗ lim ở Thanh Hoá. Sau đó, ông thuê thợ tháo rời gỗ và chuyển về quê dựng. Ngôi nhà cũng được làm theo kiểu 5 gian, thiết kế cân xứng với ngôi nhà gỗ trên.
Theo Nguyễn Đức
Dân Việt