TPHCM sẽ góp ý để giải quyết quyền lợi người dân có đất trong quy hoạch

Q.Huy

(Dân trí) - TPHCM sẽ góp ý đối với nghị định miễn, giảm tiền thuê, sử dụng đất của Chính phủ nhằm giải quyết nhu cầu, quyền lợi và không để người dân có đất trong quy hoạch phải chịu chênh lệch quá nhiều.

Chiều 22/10, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì buổi họp báo về công bố quyết định liên quan tới bảng giá đất điều chỉnh trên địa bàn. Tại buổi họp báo, phóng viên Dân trí đã đặt câu hỏi cho lãnh đạo thành phố và các sở, ngành về tác động của bảng giá đất điều chỉnh đối với người dân có đất bị quy hoạch treo.

Cụ thể, người dân có đất quy hoạch "treo" không thể tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trong thời gian dài. Nếu áp dụng bảng giá đất điều chỉnh, họ có thể tiếp tục chịu thiệt khi nộp tiền sử dụng đất rất cao so với trước đây khi quy hoạch treo được xóa bỏ.

TPHCM sẽ góp ý để giải quyết quyền lợi người dân có đất trong quy hoạch - 1

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TPHCM, trả lời các câu hỏi tại họp báo (Ảnh: Q.Huy).

Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TPHCM, cho biết, khi ban hành Luật Đất đai 2024, Chính phủ cũng xây dựng nghị định về miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất. Đối với nội dung này, các tỉnh sẽ căn cứ thực tiễn để có góp ý, đề xuất phù hợp, trong đó có tính đến giải quyết quyền lợi cho người dân có đất trong khu quy hoạch.

"Đối với nghị định này, thành phố chắc chắn sẽ góp ý để bà con không phải chịu chênh lệch quá nhiều, nhằm giải quyết các nhu cầu, quyền lợi chính đáng", Giám đốc Sở TN&MT TPHCM khẳng định.

Lãnh đạo Sở TN&MT TPHCM cũng nêu, các quy hoạch trên địa bàn có thể thực hiện chậm nhưng đều phải mang tính khả thi. Các quy hoạch của địa phương đều hướng đến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng, người dân.

"Trong quá trình xây dựng nghị định về miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, Chính phủ sẽ gửi công văn để các địa phương góp ý theo tình hình thực tế. Đến nay, TPHCM chưa nhận được nội dung này nên chưa thể hình dung được dự thảo nghị định để đưa ra hướng góp ý cụ thể lúc này", Giám đốc Sở TN&MT TPHCM cho hay.

Tại buổi họp báo, ông Bùi Xuân Cường cho biết, trong 3 tháng qua, TPHCM đã xây dựng và ban hành bảng giá đất điều chỉnh trên cơ sở cẩn trọng, kỹ lưỡng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản biện của các bên. Tinh thần chung của việc điều chỉnh bảng giá đất là phải phù hợp thực tế, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

TPHCM sẽ góp ý để giải quyết quyền lợi người dân có đất trong quy hoạch - 2

Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì buổi họp báo (Ảnh: Q.Huy).

Sáng cùng ngày, UBND TPHCM ban hành quyết định về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02 của UBND thành phố quy định về bảng giá đất trên địa bàn. Bảng giá đất điều chỉnh của TPHCM sẽ được áp dụng từ ngày 31/10 đến hết 31/12/2025.

Đối với đất ở, giá đất ở các đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi tại quận 1 cao nhất lên đến 687,2 triệu đồng/m2, cao hơn gấp 4 lần so với bảng giá trước đây (162 triệu đồng/m2), song đã giảm so với dự thảo bảng giá đất lần trước là 810 triệu đồng/m2. 

Mức giá một số tuyến đường lân cận như: Đông Du là 409 triệu đồng/m2, tuyến Hai Bà Trưng (tùy đoạn) có giá 350-450 triệu đồng/m2, đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ Công trường Mê Linh đến cầu Nguyễn Tất Thành) có giá 447 triệu đồng/m2.

Tại khu vực quận 3, toàn bộ tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai, Công Trường Quốc Tế dự kiến là nơi có giá đất mới cao nhất với 305-340 triệu đồng/m2.

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua là giá đất vùng ven, các huyện ngoại thành tăng lên quá cao trong dự thảo bảng giá đất điều chỉnh lần trước. Ở dự thảo mới nhất, giá đất tại các khu vực này đã giảm đáng kể.