TP.HCM: Giá đất tăng chóng mặt, bỏ xa hệ số K

Hệ số K ở TP.HCM giữ nguyên nhưng nghịch lý là trong bối cảnh dù hệ số giá đất vẫn được giữ nguyên nhưng giá đất ngoài thị trường vẫn tăng từng ngày và bỏ khá xa mức giá nhà nước quy định.

Giữ nguyên hệ số K

Hội đồng nhân dân TP.HCM vừa thông qua nghị quyết về việc không tăng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2021 mà sẽ giữ nguyên hệ số giá đất như năm 2020 để ổn định tình hình kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cụ thể, nhóm 1 có hệ số điều chỉnh giá đất là 1,5. Nhóm 2: Đối với đất kinh doanh dịch vụ, thương mại, tài chính, nhà hàng, khách sạn, nhà ở cho thuê, văn phòng làm việc và cho thuê đối với khu vực 1 là 2,5 lần; khu vực 2 là 2,3 lần; khu vực 3 là 2,1 lần; khu vực 4 là 1,9 lần; khu vực 5 là 1,7 lần.

TP.HCM: Giá đất tăng chóng mặt, bỏ xa hệ số K - 1
TPHCM không tăng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2021.

Đối với đất sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, nhà kho, nhà xưởng, đất xây dựng siêu thị, cửa hàng thương mại dịch vụ bán hàng bình ổn giá, cửa hàng xăng dầu, đất xây dựng bệnh viện, phòng khám đa khoa, trường học, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp... khu vực 1 là 1,7 lần; khu vực 2 là 1,6 lần; khu vực 3 là 1,55 lần; khu vực 4 và 5 là 1,5 lần.

Nhóm 3: Hệ số điều chỉnh giá đất đối với khu vực 1 là 2,5 lần; khu vực 2 là 2,3 lần; khu vực 3 là 2,1 lần; khu vực 4 là 1,9 lần; khu vực 5 là 1,7 lần giá đất do UBND TP quy định và công bố….

Trong đó, khu vực 1 gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình và Phú Nhuận. Khu vực 2 gồm các quận 2, 6, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú. Khu vực 3 gồm các quận 8, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức. Khu vực 4 gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn. Khu vực 5: huyện Cần Giờ.

Cũng theo Nghị quyết, Hội đồng nhân dân TP.HCM giao UBND TP.HCM ban hành quy định về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 trên địa bàn TP.HCM và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định hiện hành.

Đồng thời, chỉ đạo đơn vị có liên quan trong quá trình xây dựng; ban hành quy định về hệ số điều chỉnh giá đất của những năm tiếp theo, làm sao đảm bảo thời gian theo quy định (từ ngày 1-1 hàng năm); quan tâm nguyên tắc, phương pháp định giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường nhằm đảm bảo nguồn thu từ đất cho ngân sách nhà nước và đảm bảo an sinh xã hội.

Giá đất thị trường tăng chóng mặt

Hệ số K ở TP.HCM giữ nguyên nhưng nghịch lý là trong bối cảnh dù hệ số giá đất vẫn được giữ nguyên nhưng giá đất ngoài thị trường vẫn tăng từng ngày một cách chóng mặt và bỏ khá xa mức giá nhà nước quy định.

Những ngày này, chạy xe dọc Tỉnh lộ 10, qua địa bàn các xã Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), người đi đường sẽ bắt gặp hàng trăm cây xanh, trụ điện ven đường dán chi chít bảng quảng cáo bán đất nền, đủ loại giá.

Tại khu dân cư Vĩnh Lộc B (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) các nền đất đã có sổ hồng trước tết bán ra với giá từ 32-35 triệu đồng/m2 nhưng cũng rất ít giao dịch thì nay người mua nhiều với mức giá cũng tăng khoảng 600.000 đồng/m2. Một số khu vực khác ở Bình Chánh nếu như lâu nay các nhà đầu tư không "ngó ngàng" đến thì nay đã bắt đầu "nhộn nhịp". Tại xã Bình Hưng (H.Bình Chánh) giá đất tăng mạnh nhất khi từ 65 triệu đồng/m2 hồi trước Tết Nguyên đán nay đã tăng lên khoảng 90 triệu đồng/m2. Đặc biệt, khu Trung Sơn còn tăng vọt lên ngưỡng 140 triệu đồng/m2, xã Phong Phú giá đất cũng tăng lên 40 triệu đồng/m2, xã Vĩnh Lộc A là 30 triệu đồng/m2...

Tương tự, huyện Hóc Môn cũng đang trong cơn lốc tăng giá đất nhờ có thông tin lên quận. Hiện tại, giá đất thổ cư Hóc Môn dao động từ 40-70 triệu đồng/m2. Trong đó, xã Xuân Thới Thượng có giá khoảng 60-65 triệu đồng/m2, xã Bà Điểm có giá 40- 45 triệu đồng/m2...

Trong vai người mua đất ở huyện Cần Giờ, chúng tôi được "cò đất" tên Mai giới thiệu cho khu đất 1.000m2 tại đường Duyên Hải, xã Long Hòa. Theo ông Mai, xã Long Hòa là một trong những nơi giá đất "sốt" nhất huyện vì cận kề dự án lấn biển của một tập đoàn lớn. Chỉ lô đất rộng 1.000m2 với 20m chiều ngang mặt tiền đường nhỏ, "cò đất" này ra giá 12 tỷ đồng.

"Đây là giá rẻ rồi, anh mua chắc chắn có lời. Dự án lấn biển đang san lấp, rồi Cần Giờ chuẩn bị lên quận, sau này giá đất chắc chắn sẽ còn tăng nữa. Ngày nào cũng có nhà đầu tư đổ về xem đất", ông Mai nói.

Kể từ sau khi sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành một Thành phố Thủ Đức, giá nhà đất ở các nơi này liên tục tăng nhiều đợt. Đơn cử, trên nhiều tuyến đường ở Thành phố Thủ Đức như Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng…, (thuộc quận 9 cũ), vị trí đất mặt đường đã lên tới 100 triệu đồng/m2. Tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, giá đất trước đây chỉ khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2 đã tăng lên tới 70 - 90 triệu đồng/m2, tăng khoảng 40% so với năm 2019.

TP.HCM: Giá đất tăng chóng mặt, bỏ xa hệ số K - 2
Dù hệ số giá đất vẫn được giữ nguyên nhưng giá đất ngoài thị trường vẫn tăng từng ngày một cách chóng mặt và bỏ khá xa mức giá nhà nước quy định.

Còn theo khảo sát giá đất tại các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn được Công ty DKRA Việt Nam công bố cho thấy giá đất ở các huyện ngoài thành tăng từ 3 - 20% so với hồi cuối năm ngoái. Hiện giá đất tại các huyện này từ 45 - 92 triệu đồng/m2 (tùy theo khu vực).

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hai mức giá nhà nước và thị trường đang ngày càng bỏ xa nhau, người hưởng lợi nhiều nhất chính là giới đầu cơ đất đai lâu nay. Đơn cử như tại khu vực Thành phố Thủ Đức, mức giá nhà đất tăng từng ngày trong thời gian qua. Tuy nhiên, khi giao dịch, thì mức giá được áp dụng ghi trên hợp đồng công chứng mua bán để làm căn cứ tính thuế thật sự rất có lợi cho người bán.

Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, bên cạnh tình trạng sốt đất, còn có tình trạng giá nhà tăng vọt. Nguyên nhân chủ yếu là do sụt giảm mạnh nguồn cung dự án nhà ở, thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là căn hộ có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội.

Trên cơ sở đó, Hiệp hội đề xuất đánh thuế thu nhập với thuế suất rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập, để triệt tiêu ý chí "đầu cơ" của nhà đầu tư "lướt sóng". Người sở hữu nhà đất dùng để ở thì chịu mức thuế thấp nhất. Người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở, hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh, thì chịu mức thuế suất lũy tiến, tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Ngoài ra, cũng cần có sắc thuế đánh trên hành vi của người sử dụng đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng, với thuế suất cao nhằm triệt tiêu ý chí "găm giữ" đất, và để chống đầu cơ đất đai.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm