Hết "sốt", giá đất nhiều nơi quay đầu giảm, cắt lỗ?

Giá đất nhiều nơi trong thời gian qua tăng mạnh, có nơi tăng đến 200%, tuy nhiên, theo dự báo, giá đất nền tới đây sẽ được kiểm soát, một số khu vực sẽ xuất hiện giảm giá, cắt lỗ...

Hết sốt, giá đất nhiều nơi quay đầu giảm, cắt lỗ? - 1

Giá đất tăng là nơi tụ hội của nhiều "cò" đất.

Thị trường bất động sản những tháng đầu năm đã chứng kiến những cơn "nhảy múa" của giá đất tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Số liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, tại Thanh Hóa giá đất tại hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh này đều tăng giá đột biến, đặc biệt là đất nền tại các khu vực lân cận TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và các khu vực đang quy hoạch các dự án lớn.

Từ đầu tháng 3 trở lại đây, giá đất nền tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã tăng với mức chóng mặt, trung bình khoảng 50 - 60% so với cuối năm 2020.

Hiện giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa đều dao động từ 12-15 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, cao gấp 2-3 lần so với giá thị trường cùng kì năm trước.

Tại Đồng Nai, phân khúc trọng điểm tập chung chủ yếu ở đất sào mẫu phân lô, đồng sở hữu, đất nền thứ cấp (mua đi bán lại lô đất nền của các dự án đã hoàn thành). Giá bất động sản Đồng Nai trong khu vực trung tâm Biên Hòa dao động tăng nhẹ 2-5% trong những tháng đầu năm, các thị trường vùng trũng tăng rất mạnh từ 10%-20% kể từ cuối năm 2020.

Tại Cần Thơ, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, một số nơi thuộc quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy giao dịch đất nền dự án cũng diễn ra khá sôi động.

Tại một số dự án cụ thể như Khu dân cư Ngân Thuận (quận Bình Thủy), khu dân cư Hồng Loan (khu 6A và 5C)… đã tăng giá từ 5-10% so với cuối năm 2020.

Hay tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), các nhà đầu tư đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư ngày càng nhộn nhịp, chủ yếu tập trung vào tìm đất nền đô thị, sở hữu lầu dài, pháp lý rõ ràng và tiềm năng sinh lời cao.

Giá đất tăng nhẹ 5-10% so với 2020. Giá đất nền khu trung tâm Phú Quốc hiện rơi vào khoảng từ 100 triệu đồng tới 400 triệu đồng/m2.

Lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, sốt đất làm tăng chi phí phát triển nhà ở, càng khó hơn cho việc thực thi các chính sách để phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Đồng thời, cũng tạo áp lực tăng giá các loại nhà ở trong bối cảnh một số thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… đang gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm căn hộ.

Thậm chí, sốt đất nền còn gây bất ổn cho thị trường bất động sản toàn quốc nói chung và các khu vực nóng sốt nói riêng; ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam.

Chính quyền nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Bắc Giang, Quảng Ninh, Phú Quốc... đã vào cuộc, ban hành những văn bản nhằm ngăn chặn những cơn sốt đất ảo.

Đáng chú ý, UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) còn phải ra văn bản nghiêm cấm cán bộ, công chức không tham gia các hoạt động môi giới bất động sản, tiếp tay cho việc đầu cơ, buôn bán đất đai.

Hay Bắc Giang phải tạm dừng thực hiện việc cho phép chuyển mục đích sử dụng phần đất nông nghiệp trong thửa đất đơn lẻ sang đất ở (trừ trường hợp để thực hiện theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt) cho đến khi Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn về thẩm định nhu cầu sử dụng đất và điều kiện chuyển mục đích sử dụng...

Với việc vào cuộc của chính quyền địa phương, tại các địa phương khác đã xảy ra hiện tượng "sốt" đất như: các huyện ngoại thành Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Bình Phước, Quảng Ninh, tình hình giao dịch đất nền cũng đã chậm lại, không còn cảnh tập trung đông người để mua bán, giá đất bắt đầu "hạ nhiệt", giảm 1 - 2 triệu đồng/m2.

Theo nhận định của lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, sang quý 2/2021, giá đất sẽ được kiểm soát và không tăng. Thậm chí, một số khu vực sẽ xuất hiện giảm giá, cắt lỗ.