TPHCM: Covid-19 hoành hành, giới đầu tư bất động sản ngày càng "nhát tay"

Đại Việt

(Dân trí) - Thị trường bất động sản tại TPHCM đang có kỳ "ngủ đông" dài nhất trong nhiều năm. Nhà đầu tư không còn "vung tiền" vào bất động sản như trước dù được giảm giá cả trăm triệu đồng.

Giảm giá cả trăm triệu cũng không dám "chốt"

Bà Trần Diệu Thúy - nhà đầu tư tại Quận 1 cho biết - dù dịch bệnh hoành hành nhưng môi giới vẫn thường xuyên chào mời bà mua bất động sản. Tuy nhiên, bà đang tạm dừng mọi hoạt động đầu tư.

"Chủ một lô đất rộng 45 m2 tại quận Bình Tân đang chào tôi với giá 2,4 tỷ đồng, rẻ hơn thị trường khoảng 300 triệu đồng nhưng tôi cũng không muốn tìm hiểu. Bình thường, nếu gặp những miếng đất như vậy là tôi chốt rất nhanh, nhưng thời điểm hiện nay, tôi lo ngại thị trường sẽ đóng băng kéo dài" - bà Thúy nói.

Theo bà Thúy, ở thời điểm này, bà không cần phải vội vàng vì "cơm chưa ăn gạo còn đó". Bà ưu tiên cho việc bảo toàn nguồn vốn hơn là việc đầu tư "may rủi".

TPHCM: Covid-19 hoành hành, giới đầu tư bất động sản ngày càng nhát tay - 1

Nhà đầu tư bất động sản tại TPHCM đang ngày càng "nhát tay" hơn vì dịch bệnh (Ảnh: Đại Việt).

Còn ông Nguyễn Cường - nhà đầu tư ở Quận 3 - chia sẻ ông được một doanh nghiệp bất động sản ưu tiên bán căn hộ có nhiều ưu đãi tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Khi mua căn hộ, ông sẽ được chiết khấu và giảm giá mùa Covid-19 lên đến hơn 160 triệu đồng/căn nhưng ông vẫn "lưỡng lự".

"Căn hộ của họ đang rao bán với giá 2,5 tỷ đồng và tôi được giảm giá hơn 6% nhưng tôi chưa chốt dù nguồn tiền đã sẵn sàng" - ông Cường nói.

Ông Cường cho rằng, đây chưa phải là thời điểm đầu tư bất động sản phù hợp, ông sẽ tiếp tục tích lũy tài chính và theo dõi tình hình dịch bệnh đến cuối năm rồi mới tính toán tiếp.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, nhiều nhà đầu tư bất động sản tại TPHCM đang khá "chật vật" trong mùa dịch do phải "gồng" lãi vay ngân hàng. Một số nhà đầu tư có công việc kinh doanh, buôn bán gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc đầu tư bất động sản rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

Nhà đầu tư đang rất thận trọng và áp lực

Theo chuyên gia bất động sản Huỳnh Phước Nghĩa, hiện nay, đứng trước vô vàn khó khăn nhà đầu tư buộc phải cấu trúc lại nguồn vốn của mình. Chính vì vậy, nhà đầu tư sẽ "nhát tay" hơn và cẩn trọng hơn.

Nếu như trước đây, nhà đầu tư đi gom đất nông nghiệp rồi chuyển mục đích sử dụng để bán lại kiếm lời hoặc chờ thời cơ thì hiện nay mọi thứ không còn dễ dàng. Những sự đầu tư không hiệu quả do giá bất động sản lên chậm buộc nhà đầu tư phải rút vốn về.

Ngoài ra, do áp lực về lãi vay, trả nợ ngân hàng, nhà đầu tư thường tìm kiếm những sản phẩm có thể cho thuê lại hoặc sinh ra nguồn thu ngắn hạn.

"Ở thời điểm hiện tại, khi nhà đầu tư được chào mời mua dự án mới thì họ toan tính rất kỹ lưỡng như sản phẩm có hấp dẫn không, mức tăng giá thế nào, tỉ lệ thâm dụng ngân hàng ra sao… Thậm chí, nhà đầu tư có 2-3 sổ đỏ cũng không dám đi thế chấp để mua thêm một miếng đất mới, điều này cho thấy nhà đầu tư đã rất nhát tay" - ông Nghĩa phân tích.

TPHCM: Covid-19 hoành hành, giới đầu tư bất động sản ngày càng nhát tay - 2

Nhiều ngành nghề kinh doanh khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch cũng khiến nguồn vốn đầu tư cho bất động sản gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Đại Việt).

Cũng theo ông Nghĩa, một số nhà đầu tư bất động sản đang kinh doanh đa ngành. Khi dịch bệnh ập đến, các ngành nghề khác gặp khó khăn khiến nhà đầu tư phải rút nguồn vốn từ bất động sản để bù đắp cho ngành kinh doanh khác. Và những sự thay đổi như vậy đang diễn ra từng ngày.

Ông Nghĩa phân tích thêm, hiện nay số nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi và không dùng "đòn bẩy" tài chính để đầu tư bất động sản chỉ chiếm chưa đến 10% ở Việt Nam. Số còn lại phải sử dụng nguồn vốn vay, vốn kinh doanh để đầu tư vào bất động sản. Thế nhưng, những đòn bẩy tài chính này lại đang gặp nhiều vấn đề khó khăn như lãi suất, lạm phát, kinh tế biến động… do đại dịch gây ra.

"Một nhà đầu tư bất động sản sử dụng đòn bẩy tài chính khoảng vài chục tỷ đồng thì áp lực vô cùng ghê gớm. Trong khi đó, hiện nay, việc đầu tư xoay vòng nhanh hay lướt sóng là rất khó, nhà đầu tư buộc phải cân đối đầu tư cho dài hạn bao nhiêu và đầu tư cho ngắn hạn bao nhiêu một cách rõ ràng" - ông Nghĩa chia sẻ.

TPHCM: Covid-19 hoành hành, giới đầu tư bất động sản ngày càng nhát tay - 3

Nhiều nhà đầu tư bất động sản như đang "ngồi trên đống lửa" vì áp lực lãi vay ngân hàng (Ảnh: Đại Việt).

Cần hỗ trợ tín dụng kịp thời

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường bất động sản vô cùng khó khăn. Nhà đầu tư, doanh nghiệp, khách hàng cũng "lên bờ xuống ruộng" vì đại dịch.

"Để tăng sức chống chịu và vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin Nhà nước hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và về quy trình thủ tục hành chính", ông Châu nói.

Cũng theo ông Châu, HoREA mong muốn Nhà nước có những cơ chế chính sách tín dụng để hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.

Cụ thể, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay của các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà.

"Kiến nghị Bộ Xây dựng đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn. Các ngân hàng thương mại xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án. Bởi, doanh nghiệp "sống" được thì các ngân hàng mới "sống khỏe" được" - HoREA nêu rõ.

HoREA cũng kiến nghị Bộ Xây dựng đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét cho nhà đầu tư, khách hàng mua sản phẩm bất động sản được tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký. Đặc biệt, đề nghị các ngân hàng thương mại quan tâm hỗ trợ cho vay tín dụng đối với người dân mua nhà ở thương mại giá rẻ hoặc nhà ở xã hội.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm