TPHCM: Coi chừng gánh hậu quả vì những cơn “sốt” đất ảo

Thông tin TPHCM xây dựng đề án thành lập Thành phố phía đông gồm ba quận (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) và xây cầu Cần Giờ đang khiến giới đầu tư bất động sản (BĐS) rất quan tâm, theo đó giá cả khu vực này cũng biến động, tăng mạnh.

TPHCM: Coi chừng gánh hậu quả vì những cơn “sốt” đất ảo - 1

Thông tin thành lập thành phố phía Đông đang tạo ra cơ “sốt” đất ảo (ảnh minh họa). Ảnh: Minh Quân

Gom đất khu phía đông TPHCM

Theo khảo sát của phóng viên, nhà đất mặt tiền tại các khu vực như đường Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam… những tuyến đường giáp với bến xe miền Đông mới và dự án Vinhome Grand Park đang tiếp tục đà tăng giá.

Cụ thể, mặt tiền đường Phước Thiện giao dịch cuối năm 2019 với giá 100 triệu đồng/m2, hiện đã tăng từ lên 110 - 120 triệu đồng/m2, giá đất mặt đường Hoàng Hữu Nam cũng tăng từ 10 - 15% so với cuối năm 2019…

Ngoài thị trường nhà phố, thị trường căn hộ tại khu Đông cũng đang tăng mạnh về nhu cầu lẫn giá cả. Hầu hết các dự án, đặc biệt là các dự án đã và đang xây dựng, pháp lý hoàn chỉnh, chủ đầu tư uy tín đều đã được tiêu thụ khá nhanh, trong đó nhiều dự án được giao dịch trên thị trường thứ cấp có mức giá tăng từ 30 - 50% so với cách đây một năm.

Thậm chí, nhiều nhà đầu tư đã lùng mua những mảnh đất vườn, đất nông nghiệp, làm thủ tục lên thổ cư và phân lô bán lại cho người mua ở, khiến đất nông nghiệp có dấu hiệu “sốt”.

Khảo sát thực tế một số quỹ đất trên địa bàn quận 9 cho thấy, trong thời gian gần đây, số lượng nhà đầu tư tìm kiếm đất nông nghiệp chưa được lên thổ cư tại tuyến đường Long Trường, Long Phước, Nguyễn Duy Trinh tăng đáng kể. Giá đất vì thế cũng bị đẩy lên.

Đơn cử, một nền đất ruộng 3.000m2 nằm trong hẻm cách mặt tiền đường Long Phước đầu năm 2019 có giá 3,5 triệu đồng/m2 hiện được rao bán trên 5,2 triệu đồng/m2, đất nông nghiệp khu vực Long Thạnh Mỹ, giá từ 1,5 - 3 triệu đồng/m2 tăng lên 6-7 triệu đồng/m2.

Việc đầu tư đất nông nghiệp này theo giới đầu tư là nhắm việc thành lập thành phố mới giới đầu cơ gom đất sau này chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ phân lô bán cho người dân có nhu cầu.

Cần Giờ, giá đất bị “thổi” tăng 50%

Trong khi đó, vài ngày gần đây, trên các diễn đàn, trang tin về bất động sản, lượng thông tin mời chào mua đất nền tại thị trấn Cần Thạnh và các xã Bình Khánh, Long Hòa, Lý Nhơn... hay những thửa đất nằm gần một số tuyến đường lớn như đường Trần Quang Đạo, đường Duyên Hải, Lương Văn Nho... của huyện đảo Cần Giờ, TPHCM, được đăng tải dồn dập. Các thông tin rao bán được liên hệ với việc sắp tới thành phố xây cầu Cần Giờ thay cho phà Bình Khánh hiện nay.

Số liệu từ các công ty môi giới cho thấy, giá đất tại thị trấn Cần Thạch đang được giao dịch ở mức từ 6,8 - 22 triệu đồng/m2 tùy vị trí, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, ở xã Long Hòa, đất nền có giá giao dịch dao động 3,5 - 11 triệu đồng/m2, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhu cầu bán ở khu vực này khá thấp.

Như vậy, có thể thấy, dù không còn những cơn sốt đất như 2 năm trước nhưng giá đất tại đây vẫn neo ở mức cao. Theo giới quan sát thị trường, không phải ngẫu nhiên mà giá đất Cần Giờ có những chuyển biến, mà chủ yếu nhờ những thông tin từ dự án hạ tầng đang được mong đợi nhất ở khu vực này là cầu Cần Giờ.

Theo giới chuyên gia, các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ cần tỉnh táo trước khi chạy theo những cơn sốt đất tại Cần Giờ, bởi nó luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và hệ lụy. Nhất là rất cần xác định được giá trị thực của đất đai, tránh tình trạng bị cò đất tung chiêu “thổi” giá làm nhiễu loạn thị trường, rất dễ dẫn đến tình trạng bong bóng, sốt ảo.

Theo ông Nguyễn Nam Hiền - Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land - thị trường đang trong trạng thái “khát thông tin tốt”. Điều đó cũng đồng nghĩa giới đầu tư sẽ đón nhận các thông tin này như những cú huých về tâm lý để sẵn sàng giải ngân hoặc thoát hàng. Theo đó, sốt đất sẽ diễn ra ngày một nhanh chóng và quy mô rộng hơn. Điều này đặc biệt nguy hiểm cho những nhà đầu tư mới, không có nhiều hiểu biết.

Giới kinh doanh địa ốc TPHCM đã có rất nhiều bài học về việc đầu tư đất chạy theo thông tin các siêu dự án. Trước đây, cũng vì đua nhau đón sóng siêu dự án đã tạo nên những đô thị hoang như Nhơn Trạch, Mỹ Phước hay ôm đất trả lãi khi đầu tư quanh khu Safari Củ Chi.

Thực chất việc chạy đua đầu tư theo thông tin chỉ có làm lợi cho duy nhất một đối tượng, đó là “cò” đất. Trong khi đó người sở hữu cuối cùng là người gánh hậu quả khi cơn sốt đi qua và các siêu dự án vẫn chưa thành hình. 

Giới kinh doanh địa ốc TPHCM đã có rất nhiều bài học về việc đầu tư đất chạy theo thông tin các siêu dự án. Thực chất việc chạy đua đầu tư theo thông tin chỉ có làm lợi cho duy nhất một đối tượng, đó là “cò” đất.

Theo Bảo Chương

Lao động