Tố bị "quỵt" cam kết lợi nhuận, chủ sở hữu condotel ồ ạt rao bán cắt lỗ

Hà Phong

(Dân trí) - Nhiều căn hộ khách sạn (condotel) FLC Grand Hotel Hạ Long (Quảng Ninh) đang được rao bán cắt lỗ sâu 300 - 800 triệu đồng so với giá mua.

Ồ ạt cắt lỗ gần tỷ đồng 

Trên trang rao bán bất động sản, thông tin bán cắt lỗ sâu condotel FLC Grand Hạ Long xuất hiện dày đặc. Giá rao bán các căn condotel hiện tại đều thấp hơn giá chủ sở hữu mua trước đó. 

Một người rao bán tên Thảo cho biết, chị đang bán cắt lỗ 3 căn condotel Grand Hạ Long. Hiện các căn condotel này có nội thất chất lượng 5 sao, kinh doanh khách sạn nghỉ dưỡng, đang do Tập đoàn FLC quản lý và chia sẻ lợi nhuận cho chủ sở hữu căn hộ.

Cụ thể, căn hộ có hướng nhìn sân golf, căn 46 m2 có giá 1 tỷ đồng (giá hợp đồng là 1,47 tỷ đồng) và căn 48 m2 giá 1,1 tỷ đồng (giá hợp đồng là 1,7 tỷ đồng); một căn khác có hướng nhìn vịnh Hạ Long đang được rao bán 1,3 tỷ đồng, cắt lỗ 800 triệu đồng so với giá mua ban đầu là 2,1 tỷ đồng.

Tương tự, một số căn có giá hợp đồng 1,65 tỷ đồng năm 2018, nhưng giờ được rao bán cắt lỗ thu về 1,3 tỷ đồng, bao gồm thuế phí chuyển nhượng.

Tố bị quỵt cam kết lợi nhuận, chủ sở hữu condotel ồ ạt rao bán cắt lỗ - 1

Condotel FLC Grand Hạ Long bán cắt lỗ gần 1 tỷ đồng (Ảnh: Hà Phong).

Liên quan tới dự án condotel này, trước đó, phản ánh tới Dân trí, nhiều chủ sở hữu condotel FLC Grand Hotel Hạ Long bức xúc trước việc chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và đơn vị thuê, quản lý khai thác Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Hạ Long (viết tắt Công ty FLC Hạ Long) không thực hiện đúng cam kết đã ký theo hợp đồng mua bán và hợp đồng thuê và quản lý. Số tiền cam kết lợi nhuận 12% FLC chưa trả cho khách hàng lên tới hàng trăm triệu đồng.

Theo ông  N.Đ.T. - một chủ sở hữu condotel FLC Grand Hotel Hạ Long, căn condotel ông mua có diện tích 46 m2, giá 1,9 tỷ đồng. Sau khi được chủ đầu tư bàn giao, căn condotel của tôi cũng được Công ty FLC Hạ Long thuê khai thác, với cam kết lợi nhuận 12% giá trị căn hộ/năm và được thanh toán tiền thuê thành 2 kỳ/năm (30/6 và 30/12).

"Vỡ mộng" cam kết lợi nhuận

Trong giai đoạn thị trường bùng nổ, các chủ đầu tư condotel thường đưa ra cam kết mức lợi nhuận cao, phổ biến 8-12%/năm, thậm chí có thể lên tới 15%/năm đối với một số dự án nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên, không phải sản phẩm condotel nào cũng đạt được lợi nhuận như cam kết bởi còn tùy thuộc vào vị trí và tiện ích của dự án.  

Cá biệt, cuối năm 2019, giới đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng chứng kiến cú sốc của siêu dự án Cocobay "vỡ trận" khi chủ dự án Cocobay Đà Nẵng là Công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) tuyên bố chấm dứt việc chi trả thu nhập cam kết với các khách hàng tại vì khó khăn tài chính.

Tố bị quỵt cam kết lợi nhuận, chủ sở hữu condotel ồ ạt rao bán cắt lỗ - 2

Nhiều dự án condotel đã "vỡ trận" cam kết lợi nhuận với khách hàng (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Trước đó, Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ Bạch Việt - chủ đầu tư dự án condotel Bavico tại Nha Trang - từng phải đàm phán để giảm mức cam kết lợi nhuận từ 15% một năm xuống còn 8%. Tuy nhiên, sau đó, việc chi trả của chủ đầu tư này cũng không được thực hiện.  

Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam, cho rằng, vấn đề của condotel nằm ở chính sách phổ biến về cam kết lợi nhuận cao. Nhà đầu tư chạy theo lợi nhuận hấp dẫn trong khi các chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm thường tính mức lợi nhuận cam kết vào giá bán condotel ban đầu nhưng không đầu tư lại mức chênh lệch này vào dự án.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, từng chia sẻ, rủi ro của chủ sở hữu condotel xảy đến trong trường hợp doanh thu, lợi nhuận của dự án không như kỳ vọng, chủ đầu tư và khách hàng đương nhiên phải cùng nhau gánh vác. Thậm chí, nếu dự án kinh doanh không hiệu quả, không có khách thuê, chi phí cho thuê không đủ bù chi phí quản lý dẫn đến thua lỗ thì nhà đầu tư không những không được chia lợi nhuận, mà còn phải "bù lỗ" cho chi phí quản lý vận hành. 

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho rằng, khách hàng cũng có thể gặp rủi ro trong trường hợp chủ đầu tư bị thua lỗ, sa lầy vào các dự án khác nên mất khả năng chi trả. Trường hợp xấu hơn, nếu chủ đầu tư phá sản trong thời gian cam kết thì việc đòi quyền lợi cũng không đơn giản.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm