Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm: Chưa nên mở rộng Vùng Thủ đô

Đây là quan điểm của Tiến sỹ, Kiến trúc sư ĐÀO NGỌC NGHIÊM - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam về phương án mở rộng Vùng Thủ đô được Bộ KH&ĐT đưa ra mới đây.

Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm: Chưa nên mở rộng Vùng Thủ đô - 1
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, vấn đề quan trọng lúc này là tổ chức và triển khai tốt quy hoạch Vùng Thủ đô hiện có. Trong khi, Vùng Thủ đô hiện chưa vận hành trơn tru thì đã tính chuyện mở rộng là chưa hợp lý.

Xin ông lý giải quản điểm của mình đối với phương án mở rộng Vùng Thủ đô lên 15 tỉnh, thành của Bộ KH&ĐT đưa ra trong Dự thảo Báo cáo bổ sung về các phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 để triển khai Luật Quy hoạch?

-Theo phương án của Bộ KH&ĐT, Vùng Thủ đô mới sẽ gồm 15 tỉnh, thành phố bao gồm: Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình.
 

Phương án mở rộng cần phải được xem xét lại một cách kỹ lưỡng và hiện tại chưa nên mở rộng Vùng Thủ đô lên đến 15 tỉnh thành. Bởi vì với quy mô 9 tỉnh thành như hiện nay, Vùng Thủ đô đã đáp ứng cơ bản yêu cầu và khả năng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, kỹ thuật rồi.

Rõ ràng, có sự khác nhau giữa vai trò của Vùng Thủ đô và Vùng đồng bằng sông Hồng. Chúng ta không nên đổi Vùng đồng bằng sông Hồng thành Vùng Thủ đô mới. Nếu Vùng Thủ đô có cả những tỉnh giáp biên giới Trung Quốc như Quảng Ninh và cả vùng nông nghiệp rộng lớn thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Hồng với những đặc điểm địa lý, kinh tế quá khác biệt với Hà Nội là chưa phù hợp.

Vậy theo ông, mô hình Vùng Thủ đô hiện tại đã là tối ưu?

-Đối với Vùng Thủ đô, từ năm 2008 chúng ta đã có quyết định phê duyệt gồm 7 tỉnh, thành phố với đầu tàu là Hà Nội. Sau gần 5 năm thực hiện, đến 2012, Chính phủ đề xuất vùng thủ đô mở rộng thêm ra Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang.

Sau 4 năm nghiên cứu khá kỹ lưỡng thì đến năm 2016, quy hoạch điều chỉnh Vùng Thủ đô đến 2030 tầm nhìn đến 2050 mới được phê duyệt. Đây là nghiên cứu tổng hoà nhiều yếu tố, chúng ta nên giữ quy mô vùng như hiện tại.

Nếu như theo đề xuất của Bộ KH&ĐT thì Vùng Thủ đô sẽ trùng lặp với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, như vậy là chỉ kinh tế đơn thuần chứ không mang tính chất trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học, giáo dục và kinh tế tổng hợp của quốc gia nữa. Trong khi, chúng ta đang muốn đẩy Vùng này lên trở thành có vị thế trong khu vực và trên thế giới thì quy mô hiện nay là hợp lý.

Với mô hình được xác định là Vùng kinh tế tổng hợp, với thế mạnh của vùng này, nếu làm tốt sẽ có vị thế không phải với quốc gia mà còn có vị thế đối ngoại với khu vực và thế giới. Đây là sự khác biệt giữa vùng Thủ đô với vùng kinh tế trọng điểm để liên kết nhằm tạo nên sự phát triển kinh tế quốc gia.

Sau hơn 10 năm, có thể khẳng định với mục tiêu hình thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục đào tạo, trong đó chính trị là quan trọng, kinh tế là nòng cốt thì quy mô như hiện tại của Vùng Thủ đô là cơ bản tối ưu.

Thực tế dù đã được điều chỉnh nhưng sự liên kết chung, đặc biệt là về kinh tế của các địa phương trong Vùng Thủ đô hiện tại vẫn chưa được như kỳ vọng. Vậy vấn đề nằm ở đâu, thưa ông?

-Từ lần điều chỉnh năm 2012 được phê duyệt năm 2016 đến nay qua gần 10 năm hình thành Vùng Thủ đô dù đã phát huy vai trò liên kết vùng một cách nhất định, nhưng còn tồn tại trong việc thực hiện quy hoạch.

Thứ nhất, sự liên kết liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng còn mang nhiều tính hình thức, “mạnh ai nấy chạy”, tỉnh nào mạnh thì làm theo hướng của tỉnh đó.

Thứ hai, chúng ta còn thiếu cơ chế điều phối vùng. Từ năm 2008, chúng ta đã có mô hình văn phòng Ban chỉ đạo quy hoạch Vùng nhưng sau đó phải giải thể, đến năm 2016 tiếp tục kiến nghị phải có một Ban chỉ đạo Vùng. Ban chỉ đạo này không phải do Chủ tịch các Tỉnh thay phiên nhau điều hành mà phải do một Phó Thủ tướng phụ trách. Tuy nhiên đến nay, chúng ta vẫn chưa thực hiện được các đề xuất này.

Một nguyên nhân quan trọng, Vùng là mô hình chưa được Hiến định trong Hiến pháp nên các các cơ chế chính sách để thúc đẩy cũng còn nhiều hạn chế do bị chi phối bởi Luật Thủ đô, các nghị quyết phát triển của từng tỉnh...

- Vậy theo ông cần giải pháp gì để giải quyết điểm nghẽn trên?

Để mô hình vùng phát triển thì nhất thiết phải có sự đổi mới về hình thức liên kết với nhau. Trước mắt, đối với Vùng Thủ đô chúng ta có thể kiến nghị Quốc hội cho phép thí điểm mô hình cơ quan điều phối hay Ban Chỉ đạo Vùng để thúc đẩy liên kết.

Bởi, liên kết tự nguyện thì mỗi tỉnh thành vì lợi của địa phương mình chứ không vì cái chung. Trong khi, mô hình Văn phòng Ban chỉ đạo Vùng đã được kiến nghị tái thành lập từ năm 2016 đến nay vẫn vướng các luật và nghị quyết. Đây là vấn đề cần được sự chấp thuận của Quốc hội.

Kinh nghiệm quốc tế đối với địa giới hành chính vùng hiện ra sao, thưa ông?

-Theo tôi được biết, tại nhiều nước, Vùng là một đơn vị tổ chức hành chính được hiến định trong hiến pháp. Do đó, họ có một cơ quan điều phối vùng hoạt động rất hiệu quả. Vấn đề của Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của họ chính là chúng ta cần có mô hình điều phối vùng được Quốc hội thông qua. Từ đó, Chính phủ sẽ cụ thể hóa bằng những quy định thì chúng ta sẽ thực hiện được hiệu quả mô hình vùng.

- Xin cảm ơn ông!

KTS. Trần Huy Ánh - Ủy viên Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội:

Việc hình thành, quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội là tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển đồng thời kích thích sự phát triển của các địa phương xung quanh. Thay vì mất công sức cho phân vùng "hữu danh vô thực", 15 tỉnh thành nên tập trung thực hiện điều 27 Luật Quy hoạch "Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị, nông thôn" từ đó định ra "Quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển; Phương hướng phát triển ngành quan trọng trên địa bàn; lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội".

KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: 

Không có cơ sở để gọi tên Vùng Thủ đô với 15 tỉnh, thành mà Bộ KHĐT vừa đề xuất. Bởi cũng giống như các nước trên thế giới, việc hình thành vùng Thủ đô được tính toán rất kỹ, có nguyên lý, có tiêu chí về địa lý, dân số, lịch sử, văn hóa, xã hội, giao thông, cảnh quan, phát triển đô thị… Cơ cấu đô thị - nông thôn được tính toán rất kỹ lưỡng, bài bản. 

Với đề xuất hiện nay, vùng Thủ đô mới như "trộn" giữa vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng hiện hữu. Vùng Thủ đô mới sẽ "ôm" thêm cả khu vực nông nghiệp rộng lớn của các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình và vùng núi xa xôi, vùng giáp biên Trung Quốc của Quảng Ninh làm mất đi ý nghĩa của vùng Thủ đô. Bán kính giữa Thủ đô và các địa phương trong vùng chỉ nên khoảng 50 – 70km, để người dân thuận tiện đi vào Thủ đô làm việc, đồng thời tạo nên những khu vực phát triển năng động sát cạnh Thủ đô.

Theo Lê Sáng

Diễn đàn Bất động sản