Thực hư "chứng sĩ" F0 hốt lời chứng khoán rồi nô nức "chạy" sang BĐS

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Lý giải về hiện tượng tăng giá bất động sản thời gian qua, một số chuyên gia suy luận rằng các "chứng sĩ" F0 sau khi kiếm lời từ chứng khoán thì chuyển sang đẩy vào bất động sản.

Thực hư chứng sĩ F0 hốt lời chứng khoán rồi nô nức chạy sang BĐS - 1

Lý giải về hiện tượng tăng giá bất động sản thời gian qua, một số chuyên gia suy luận rằng các "chứng sĩ" F0 sau khi kiếm lời từ chứng khoán thì chuyển sang đẩy vào bất động sản (ảnh: Đ.Q).

Mới đây trả lời trên báo chí, một chuyên gia bất động sản kiêm lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cho rằng: F0 hồ hởi nô nức gọi nhau đi mở tài khoản chứng khoán. Khí thế đến tận các vùng quê. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận "tài chính". Sau khi có lãi, kênh "găm" tiền yêu thích và chắc chắn nhất lại là "bất động sản".

Lý giải về hiện tượng tăng giá bất động sản thời gian qua, có thể thấy, vị này suy luận rằng các chứng sĩ F0 sau khi kiếm lời từ chứng khoán thì chuyển sang đẩy vào bất động sản. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, ông Phan Long - chuyên gia tài chính doanh nghiệp - lại cho rằng, suy luận cũng có vẻ đúng, nhưng câu chuyện tăng giá bất động sản không đơn thuần chỉ là do dòng tiền ngắn hạn.

Theo vị chuyên gia, giai đoạn kinh tế vĩ mô bất ổn, lạm phát cao, bất động sản đóng băng 2010-2013, thực chất giá bất động sản cũng không giảm nhiều. Các chủ đầu tư "găm" dự án, khó thì không triển khai.

"Bất động sản thường có chu kỳ lên và xuống, lên lại khi thu nhập dân cư tích lũy đủ, vĩ mô ổn định và lãi suất giảm đẩy mạnh vay tiền mua nhà. Khi đó các chủ đầu tư lại thi nhau triển khai và mở bán", ông Long nói.

Theo quan sát của ông Long, giai đoạn hiện nay cũng tương tự. Mấu chốt vẫn nằm trong tay chủ đầu tư, đẩy giá dự án sau, kéo giá thứ cấp dự án trước, kéo luôn giá khu vực lân cận. Nguồn cung dự án vẫn còn khó, chính sách đã trôi hơn nhưng cung dự án vẫn ít, một phần có thể do chủ đầu tư tính toán điểm rơi của thị trường để "găm" lại dự án.

Vị chuyên gia này chốt lại: Việc giá bất động sản tăng trong điều kiện doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ yếu, thu nhập người lao động bị cắt giảm là dấu hiệu bong bóng chứ không phải là "thị trường bất động sản khắp nơi đều đang có tín hiệu tốt".

Ông Lê Anh Tuấn, giám đốc một quỹ đầu tư cũng cho rằng, xu hướng dịch chuyển không dễ xảy ra bởi không phải ai đầu tư chứng khoán xong cũng đủ vốn mua bất động sản do giá trị tài sản này thường rất lớn.

Thậm chí nhiều người cho rằng, chứng khoán là một kênh đầu tư không an toàn bởi những con số biến động liên tục còn bất động sản lại mang đến cảm giác chắc chắn hơn. Ở chiều ngược lại, bất động sản cũng có tồn tại nhiều rủi ro về pháp lý, thanh khoản... hơn chứng khoán.

Một chuyên gia khác lại bày tỏ quan điểm còn quá sớm để kết luận hướng dịch chuyển của dòng tiền sau những đợt thị trường rung lắc mạnh sẽ đi về đâu; phải mất thêm một thời gian quan sát nữa mới biết được dòng tiền dịch chuyển mạnh từ kênh nào vào kênh nào.

Thực tế thời gian qua, thị trường chứng kiến dòng tiền lớn đổ vào thị trường bất động sản. Giá bất động sản nhiều nơi tăng mạnh. Thị trường chứng khoán liên tục lập kỷ lục, tăng "nóng". Việc tăng trưởng này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do Covid-19, lãi suất tiền gửi thấp…

Khi dòng vốn rẻ thì điểm tích cực là sự hỗ trợ lớn cho sản xuất kinh doanh, song cũng là yếu tố kích thích người dân đổ vào các kênh đầu cơ. Nỗi lo về bong bóng tài sản ngày một lớn hơn.

Nói với Dân trí, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính lo ngại việc hình thành bong bóng tài sản khi cả hai thị trường bất động sản, chứng khoán đều ghi nhận dòng vốn đổ vào rất lớn.

"Nhìn vào thị trường bất động sản thì thấy, giá tăng mạnh bất chấp cả lúc thị trường vô cùng trầm lắng, ảm đạm. Có chỗ giá tăng tới mức vài chục phần trăm. Nhiều người không biết đầu tư vào đầu, họ rót tiền vào thị trường bất động sản rồi đợi giá tăng. Hiện nay các tổ chức đều khẳng định chưa có bong bóng, song lo ngại là vẫn có", ông Thịnh nói.

PGS.TS. Vũ Minh Khương, Đại học Lý Quang Diệu, Singapore, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ với Dân trí: Việc tiền rót mạnh vào chứng khoán, một mặt tích cực nhìn thấy đó là niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường, vào nền kinh tế, xa hơn là tương lai sáng của Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng hút được nguồn vốn lớn, đưa vào sản xuất, kinh doanh. Song nhìn ở góc độ tiêu cực, đầu tư ồ ạt trong ngắn hạn sẽ có những điều chỉnh, nhà đầu tư dễ nhận cú sốc; đặc biệt với những người vay ngân hàng thì càng nguy hiểm.

"Thông thường đầu tư chứng khoán cũng phải tính dài hạn, nhìn vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp mà nhà đầu tư tâm đắc, kỳ vọng; còn đầu tư lướt sóng thì chứa đựng rất nhiều rủi ro", ông Khương nói.

Theo vị chuyên gia, kinh nghiệm thị trường chứng khoán ở nhiều nước cho thấy, mặc dù xu thế đi lên trong dài hạn là rõ ràng; khả năng sụt giảm 20-30% là luôn luôn hiện hữu, nhất là khi thế giới sẽ còn trải qua nhiều biến động khôn lường trong thời gian tới.

Còn về bất động sản, sức mua sẽ tiếp tục tăng thêm khi kinh tế Việt Nam đi lên mạnh mẽ và hạ tầng của các thành phố lớn được nâng cấp vượt bậc trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc đầu tư để đầu cơ cần hết sức cẩn trọng. Sớm muộn Chính phủ sẽ đưa ra các chính sách cần thiết để buộc mọi đầu tư đều phải góp phần làm tăng năng suất tài nguyên. Khi đó, đầu tư tạo giá trị thì hưởng lợi chứ đầu tư để đầu cơ sẽ rủi ro cao hơn và lợi nhuận thấp hơn.