Thiếu cát xây dựng, Quảng Nam, Đà Nẵng ra "lệnh nóng"
(Dân trí) - Tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp để bình ổn giá cát xây dựng. Trong đó TP Đà Nẵng cấm chở cát ra khỏi địa bàn còn Quảng Nam cấm khai thác cát cầm chừng, gây khan hiếm để tăng giá.
Sau Tết Nguyên đán, giá cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng tăng chóng mặt. Cao điểm, có thời điểm giá cát xây dựng lên đến 450.000 đồng. Giá cát tăng quá cao khiến nhiều công trình, dự án phải đình trệ thi công, thợ xây dựng không có việc làm.
Kể từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 này, chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã có những động thái nhằm bình ổn giá cát xây dựng.
Tại TP Đà Nẵng, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, khác với cảnh thiếu cát cách đây nửa tháng, hiện tại các bãi cát đã có nguồn cung trở lại và luôn trong tình trạng đầy cát, từ đó giá cát bắt đầu "hạ nhiệt".
Chủ một bãi cát tại xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) cho hay hiện các mỏ cát ở Quảng Nam đã hoạt động trở lại, vì vậy nguồn cung không còn khan hiếm. Giá cát hiện đã giảm xuống còn 250.000-300.000 đồng/m3.
Tại thị trường tỉnh Quảng Nam, giá cát cũng giảm, còn trên dưới 300.000 đồng/m3. Một chủ thầu xây dựng ở huyện Đại Lộc cho hay khoảng nửa tháng nay, giá cát bắt đầu giảm, từ 450.000 đồng/m3 hiện còn trên dưới 300.000 đồng/m3.
"Giá cát giảm nên nhiều công trình khởi động lại, công nhân có việc làm, ai cũng nhẹ nhõm, chứ giá cát xây dựng quá cao ai cũng khó khăn, công trình đình trệ hết", chủ thầu xây dựng dấu tên cho biết.
Theo nhiều chủ thầu, sở dĩ giá cát giảm là do các mỏ đã hoạt động trở lại. Cả ngành xây dựng TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đều phụ thuộc và 4 mỏ cát lớn của huyện Đại Lộc và Duy Xuyên của tỉnh Quảng Nam, nên khi các mỏ này hoạt động bình thường trở lại, thị trường cát xây dựng "hạ nhiệt", ai cũng thở phào nhẹ nhõm.
Một chủ mỏ cát ở huyện Đại Lộc cho biết sau khi rà soát các công đoạn, công ty khai thác cát trở lại, giá cát tại mỏ từ 150.000-160.000 đồng/m3 bao gồm thuế. Cộng thêm phí vận chuyển, khi đến chân công trình, giá cát từ 250.000-300.000 đồng/m3. Giá này theo nhiều chủ thầu có thể chấp nhận được.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 15/3, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam đã phát thông báo truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Hồng Quang, yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản khẩn trương tổ chức khai thác khoáng sản, đảm bảo công suất theo giấy phép được cấp.
"Nghiêm cấm việc khai thác cầm chừng, gây khan hiếm vật liệu để tăng giá bán; kê khai nộp thuế đúng với sản lượng khai thác thực tế, xuất hóa đơn bán hàng đúng với giá thanh toán", Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu.
Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu đơn vị nào trung bình 2 năm kê khai thấp hơn 60% công suất nêu trong giấy phép hoặc kinh doanh thua lỗ 2 năm liên tiếp (không tính thời gian xây dựng mỏ cơ bản) thì thuộc đối tượng ưu tiên kiểm tra, thanh tra trước.
Các đơn vị phải niêm yết công khai giá bán khoáng sản tại mỏ theo từng thời điểm; gửi thông báo giá niêm yết về UBND cấp huyện, cơ quan thuế, Sở TN-MT, Sở Xây dựng để theo dõi, giám sát và bán đúng với giá niêm yết.
Lắp đặt đầy đủ trạm cân, hệ thống camera giám sát, đầu ghi dữ liệu có dung lượng đủ lớn, truyền dữ liệu về các cơ quan chức năng và kiểm tra, rà soát, có quy trình quản lý, vận hành thông suốt; theo dõi, lập sổ ghi chép số liệu khoáng sản khai thác trong ngày, trong tuần, số liệu xe qua trạm cân và số liệu khoáng sản xuất bán thực tế.