Thị trường trầm lắng kéo dài, đất ven đô vẫn "ngáo giá"?
(Dân trí) - Dù giá đất nền đã giảm so với thời điểm "sốt đất", nhưng mức giá hiện tại của sản phẩm bất động sản này vẫn được giới đầu tư đánh giá là cao, vượt xa giá trị thực.
Đất nền ven đô vẫn giữ giá cao
Từ đầu năm nay, nhà đầu tư và cả người có nhu cầu về nhà ở thực đã rục rịch lên kế hoạch đi vay trong bối cảnh lãi suất mua bất động sản đang ngày càng "dễ thở". Tuy nhiên, giá bất động sản vẫn là rào cản lớn khiến "cầu không gặp cung".
Chuẩn bị tài chính khoảng 3 tỷ đồng sẵn sàng đầu tư, nhưng vợ chồng anh Cao ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) vẫn loay hoay trong việc tìm mua đất ven đô. Theo anh Cao, lý do chưa chốt được giao dịch bởi giá đất nền ven đô vẫn giữ ở mức cao.
"Dù chủ đất rao bán cắt lỗ 30-40% giá trị mua vào lúc cuối năm 2021, nhưng giá đất nền khu vực các huyện ven trung tâm của Hà Nội vẫn còn khá cao", anh Cao chia sẻ.
Anh Cao dẫn chứng, một lô đất nền dịch vụ ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức có diện tích 50m2 có giá bán 3,8 tỷ đồng. Thế nhưng, giá cho thuê lô đất 50m2 có dựng nhà cấp 4 cũng chỉ có giá 2,5-3 triệu đồng/tháng.
"Giá cho thuê mặt bằng thấp hơn nhiều lãi suất gửi ngân hàng của số tiền 3,8 tỷ đồng bỏ ra mua lô đất dịch vụ trên", anh Cao chia sẻ và cho rằng, giá đất nền nêu trên vẫn ở mức "ngáo giá".
Tương tự như anh Cao, thời gian gần đây, một số nhà đầu tư với nguồn tài chính dưới 2 tỷ đồng cũng đang "săn" đất nền ven trung tâm. Tuy nhiên, đa số nhà đầu tư lắc đầu cho rằng, giá bất động sản đang quá cao.
Chị Nguyễn Thu Hiền ở quận Hoàng Mai chia sẻ, từ cuối năm ngoái, chị và một số nhà đầu tư khác đã đi khảo sát khu vực thị trường phía nam Hà Nội để tìm mua đất thổ cư. Tuy nhiên, giá đất ở huyện Thanh Trì đang thấp hơn không nhiều so với quận Hoàng Mai, đáng nói, có nơi còn cao hơn.
"Đất đấu giá khu vực xã Tứ Hiệp đang có giá dao động 125-130 triệu đồng/m2, trừ những lô đất góc, vị trí quá đắc địa. Giá đất này cũng ngang ngửa với một số khu vực có hạ tầng tương tự của quận Hoàng Mai", chị Hiền nói.
Chị Hiền nhìn nhận, nếu với tài chính 2 tỷ đồng, nhà đầu tư chỉ mua được đất thổ cư trong ngõ, với diện tích 30-50m2 ở huyện Thanh Trì, Thường Tín.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí qua một số đơn vị môi giới khu vực đất ven đô cho thấy, nhu cầu tìm hiểu đất nền thời gian qua có tăng hơn so với những tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, số lượng giao dịch thành công chỉ ở mức không cao so với nhu cầu tìm kiếm.
"Trong những tháng cuối năm ngoái và đầu năm nay, số lượng nhà đầu tư qua văn phòng môi giới của tôi có tăng cao, nhưng giao dịch thì chưa có cải thiện. Đa phần nhu cầu tìm kiếm của nhà đầu tư dao động với tài chính từ 1-2 tỷ đồng", một chủ văn phòng môi giới ở khu vực Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ.
Thị trường không còn "sốt đất"
Thông tin về thị trường bất động sản mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, trong những tháng cuối năm 2023, việc lãi suất ngân hàng cho vay mua bất động sản đang được điều chỉnh theo xu hướng giảm. Thị trường bất động sản bắt đầu có chuyển biến tích cực, lượng tìm kiếm giao dịch các phân khúc đất nền, chung cư... có sự phục hồi tốt và nguồn cung từ các dự án mới, giao dịch xuất hiện ngày càng nhiều.
Báo cáo diễn biến thị trường đất nền mới đây của Viện Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cho thấy, nguồn cung thứ cấp đất nền trong năm 2023 giảm nhiều so với năm trước. Trong đó, nguồn cung thứ cấp đất nền dự án năm 2023 so với năm 2022 tại Hà Nội giảm khoảng 46,4%, TPHCM giảm 56,3%, Đà Nẵng giảm 44,5%, Bình Dương giảm khoảng 45,3%, Hải Phòng giảm khoảng 58,6%.
Bên cạnh đó, tình hình giao dịch đất nền trong năm 2023 cũng trầm lắng. Lượng giao dịch thứ cấp đất nền dự án tại Hà Nội giảm khoảng 45,4%, TPHCM giảm 60,1%, Đà Nẵng giảm 49,4%, Bình Dương giảm 48,1%, Hải Phòng giảm 30,3%, Đồng Nai giảm 59,4%.
Giá giao dịch thứ cấp đất nền trong năm 2023 có xu hướng giảm khoảng 10-15% so với năm 2022 và giảm nhiều ở một số địa phương như Đồng Nai, Khánh Hòa, Đà Nẵng, TPHCM.
Còn theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường đất nền không còn tình trạng "sốt nóng" như thời kỳ trước. Các sản phẩm đất nền trải qua nhiều nhịp giảm giá, cắt lỗ đến 30-40% nhưng vẫn khó thanh khoản.