Thị trường bất động sản ế ẩm: Cơ hội để tự sàng lọc
Thời BĐS “nóng sốt”, mặt bằng quận 2 (TPHCM) là nơi các DN địa ốc đua nhau tranh giành đặt trụ sở, sàn giao dịch. Thế nhưng hiện nay, dạo quanh các con đường ở quận 2, cảnh tượng dễ thấy là hàng loạt DN BĐS trả mặt bằng, đóng cửa công ty.
Trên đường Nguyễn Hoàng quận 2, TPHCM có đến hàng chục doanh nghiệp trả lại mặt bằng cho chủ nhà. Tại địa chỉ 262 Nguyễn Hoàng, phường An Phú, quận 2 là nơi đặt trụ sở của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị mới Thủ Thiêm (Cty Đô thị mới Thủ Thiêm) và chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư Long Thịnh Phát.
Theo chủ nhà này, hai công ty trên đã trả mặt bằng cách đây 1 tháng. Hiện tại, anh đang rao giá cho thuê căn nhà này mức 30 triệu đồng/tháng. Trước kia, Cty Đô thị mới Thủ Thiêm và chi nhánh Công ty Long Thịnh Phát là những đơn vị phân phối dự án Tara Residence do Công ty TNHH May Song Ngọc làm chủ đầu tư ở quận 8, TPHCM. Một nhân viên bán hàng của Cty Đô thị mới Thủ Thiêm cho biết, do khó khăn nên công ty đã đóng trụ sở bên đường Nguyễn Hoàng và chuyển về đường Lương Định Của, quận 2.
Tương tự, sàn giao dịch bất động sản Uniholdings cũng trả mặt bằng là căn nhà 3 tầng trên đường Lương Định Của, quận 2. Hiện tại, chủ nhà này đang treo bảng cho thuê nhưng không ai hỏi thăm. Gọi vào số hotline của Uniholdings cũng không liên lạc được. Uniholdings được biết đến là đơn vị có 10 năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, môi giới, ký gửi bất động sản. Uniholdings từng bán sản phẩm các dự án như Vinhomes Grand Park, Laimian City, đất nền đường Nguyễn Văn Tăng quận 9…
Còn sàn giao dịch bất động sản Link Golden tại địa chỉ 30DDC Lương Định Của quận 2 cũng đã trả lại mặt bằng. Link Golden từng phân phối nhiều dự án tại TPHCM.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, việc các doanh nghiệp bất động sản trả lại mặt bằng là điều không quá bất ngờ, bởi hàng loạt sàn môi giới bất động sản đang lâm vào tình trạng khó khăn chồng chất. Cụ thể, trong số khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới, hiện có tới 1/3 số sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa vì chủ đầu tư không mở bán sản phẩm. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến các doanh nghiệp không mở bán dự án mới.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TPHCM cho hay, ngoài nguyên nhân từ dịch Covid-19, nhiều công ty địa ốc đóng cửa còn do cả năm 2019, pháp lý dự án ở TPHCM hết sức khó khăn, doanh nghiệp không có nguồn hàng để kinh doanh. Ông Châu dẫn chứng, năm 2019 TPHCM chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư. Chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư. Chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư. Có 47 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, giảm rất nhiều so với năm 2018. “Hệ quả của việc này là quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, doanh nghiệp không có sản phẩm để kinh doanh và lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí phá sản”, ông Châu nói.
Ông Châu dẫn chứng thêm, báo cáo mới nhất của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm 2019 ngành kinh doanh bất động sản ghi nhận 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động. Bất động sản cũng là ngành có tỷ lệ công ty giải thể cao (686 doanh nghiệp), tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, thị trường đã ghi nhận có hơn 700 doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới gia nhập thị trường chưa lâu… đã phải giải thể vì khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, không đủ kinh phí hoạt động.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Ngọc Quyền, Đoàn Luật sư TPHCM lại cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng của thị trường bất động sản. Giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 cũng giúp thị trường bất động sản tự sàng lọc để thị trường phát triển ổn định và lành mạnh hơn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TPHCM cho hay, ngoài nguyên nhân từ dịch Covid-19, nhiều công ty địa ốc đóng cửa còn do cả năm 2019, pháp lý dự án ở TPHCM hết sức khó khăn, doanh nghiệp không có nguồn hàng để kinh doanh.
Theo Duy Quang
Tiền Phong