Thấy gì từ việc Starbucks, McDonald's... trả mặt bằng ở "đất vàng" TPHCM?
(Dân trí) - Các thương hiệu Starbucks, McDonald's, Burger King đồng loạt trả mặt bằng ở những nơi vị trí đắc địa nhưng giá thuê cao vài trăm triệu đồng mỗi tháng.
Các thương hiệu lớn rời mặt bằng trên phố
Thị trường gần đây chứng kiến một loạt các thương hiệu F&B (thực phẩm và ăn uống) trả lại mặt bằng đắc địa tại TPHCM sau nhiều năm gắn bó.
Đầu tiên là Starbucks bỏ mặt bằng trên phố Hàn Thuyên (quận 1). Sau đó, McDonald's tuyên bố dừng hoạt động cửa hàng McDonald's Bến Thành sau 10 năm, cũng là khoảng thời gian thương hiệu này gia nhập thị trường Việt Nam.
Đến lượt Burger King chia tay mặt bằng tại đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, sau 11 năm hiện diện tại đây. Mặt bằng này đối diện công viên 23/9, cách phố Bùi Viện chỉ vài trăm mét, cách chợ Bến Thành khoảng 1km.
Theo quan sát, giá thuê các mặt bằng này đều thuộc loại đắt đỏ. Sau khi Starbucks rời đi, mặt bằng hơn 200m2 trên đường Hàn Thuyên vẫn đang được nhiều môi giới rao cho thuê với vài trăm triệu đồng/tháng. Giá thuê mặt bằng ở khu vực McDonald's Bến Thành tọa lạc cũng trên dưới 350 triệu đồng/tháng.
Giá thuê mặt bằng cao trong bối cảnh chi tiêu ngày càng thắt chặt có thể là nguyên nhân khiến các thương hiệu này chấp nhận đóng cửa hoạt động ở các vị trí đắc địa.
Trước đó, nhiều thương hiệu khác cũng trả mặt bằng, dừng thuê các căn nhà phố. Có thể kể đến như Highlands Coffee trả mặt bằng tại góc Nguyễn Du và Pasteur; YEN Shushi đóng cửa chi nhánh số 8 Đồng Khởi; MIA trả mặt bằng Ngã Sáu Phù Đổng...
Ghi nhận thực tế từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, nhiều mặt bằng trên các tuyến phố trung tâm TPHCM như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Ngô Đức Kế.... rơi vào tình trạng bỏ trống, không có khách thuê.
Giá thuê các khu vực này có thể lên đến vài trăm triệu đồng mỗi tháng, thậm chí đường Đồng Khởi được xếp vào nhóm mặt bằng cho thuê đắt nhất thế giới. Giá thuê mặt bằng đường Đồng Khởi cao hơn cả các tuyến đường đắt nhất tại Munich (Đức), Amsterdam (Hà Lan) hay Bangkok (Thái Lan), theo Cushman & Wakefield.
Trả lời phóng viên báo Dân trí gần đây, bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield - cho rằng kinh tế khó khăn, chủ nhà đòi hỏi giá rất cao là nguyên nhân chính khiến các mặt bằng bán lẻ trên phố khó tìm khách thuê. Các nhãn hàng phải xem xét bài toán kinh doanh, cân nhắc chi phí - lợi nhuận hơn là quảng bá thương hiệu từ mặt bằng.
Mặt bằng trung tâm thương mại được săn đón
Trong bối cảnh mặt bằng trên phố có vẻ vắng khách thì ngược lại, các trung tâm thương mại lại khá nhộn nhịp, tỷ lệ lấp đầy cao.
Báo cáo quý III của Savills Việt Nam ghi nhận mặt bằng bán lẻ trong trung tâm thương mại có tỷ lệ lấp đầy 94%, tăng 4 điểm % theo năm. Một số mặt bằng ở khu vực trọng điểm còn có công suất 100% nhờ lượng khách ra vào trung tâm thương mại cao, khách thuê đa dạng và quản lý hiệu quả.
CBRE Việt Nam cũng ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trong các trung tâm thương mại tại TPHCM luôn ở mức cao, lên mức 94%. Trong 9 tháng, mặt bằng bán lẻ cho thuê mới ghi nhận đạt 87.000m2, cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Các trung tâm thương mại mở mới đều được lấp đầy gần như 100%.
Sở dĩ mặt bằng các trung tâm thương mại tại TPHCM hút khách vì nguồn cung hạn chế trong khoảng 3 năm trở lại đây. Theo CBRE Việt Nam, từ năm 2020 đến năm 2022, TPHCM không có nguồn cung mới cho phân khúc này. Sang năm nay, thị trường ghi nhận có 4 trung tâm thương mại mở mới.
Bởi hạn chế nguồn cung nên mặt bằng giá thuê trung tâm thương mại tại TPHCM trong những năm gần đây cũng đã tăng đáng kể, khu vực đắc địa vẫn liên tục được nhiều khách thuê săn đón.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn CBRE tại TPHCM - nhận định có một làn sóng chuyển dịch từ mặt bằng bán lẻ trên phố vào trung tâm thương mại. Mặt bằng bán lẻ nhà phố sẽ dần phù hợp cho khách thuê với thời gian không dài, thương hiệu chưa đủ mạnh.
Còn các trung tâm thương mại có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn, nằm ở việc quản lý, vận hành như chính sách thuê, chương trình khuyến mãi, chương trình sự kiện thu hút khách liên tục đổi mới để thu hút người tiêu dùng.
Bà Cao Thị Thanh Hương - Quản lý cấp cao bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam - tin rằng tình hình hoạt động tốt với các chuỗi thương hiệu mở rộng và nhu cầu mạnh mẽ từ các nhóm khách thuê chính giúp thúc đẩy thị trường bán lẻ tại TPHCM hoạt động tốt hơn. Trong quý cuối năm, dự kiến hơn 27.600 m2 sàn từ 3 dự án ngoài trung tâm sẽ khai trương với tỷ lệ lấp đầy ít nhất 80%.