Thất nghiệp vì đại dịch, gia đình trẻ “khóc ròng” vì món nợ mua nhà trả góp
(Dân trí) - Thất nghiệp, không có việc làm do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều gia đình “méo mặt”, không đủ khả năng đóng tiền trả góp mua nhà hàng tháng.
Thất nghiệp, nhiều gia đình chạy ngược xuôi ôm khoản nợ mua nhà
Cách đây 2 năm, vợ chồng anh Trung Xuân (34 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) quyết định dồn hết tiền tiết kiệm để mua một căn chung cư rộng hơn 70m2, ở ngoại thành Hà Nội với giá khoảng 1,1 tỷ đồng.
Hai vợ chồng đều làm nhân viên văn phòng cho 1 công ty du lịch, tổng thu nhập không quá cao nên anh Xuân phải vay nợ ngân hàng lên đến 70% giá trị căn hộ.
Với số tiền vay thương mại hơn 700 triệu, mỗi tháng gia đình anh Xuân phải thanh toán khoảng hơn 8 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Anh Xuân nhẩm tính, với thu nhập là 25 triệu đồng/ tháng, nếu tiết kiệm chi tiêu thì hai vợ chồng hoàn toàn có thể chi trả trong tầm với.
Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên Đán, dịch Covid-19 bùng phát khiến lượng khách du lịch sụt giảm, Việt Nam cũng tạm dừng nhập cảnh cho khách quốc tế, công ty anh Xuân “lao đao” phải đóng cửa, dừng hoàn toàn hoạt động.
“Tháng 1 công ty giảm doanh thu nhưng vẫn duy trì cầm cự hoạt động, nhân viên chỉ cắt giảm khoảng 30% lương, nhưng đến tháng 2, tháng 3 thì “chới với”, toàn bộ chúng tôi phải nghỉ việc ở nhà, không thu có thu nhập. Công ty cũng chưa biết có cầm cự nổi qua mùa dịch hay không”, anh Xuân nói.
Theo anh Xuân, dịch bệnh kéo dài ngoài dự kiến, tiền lương lại không có nên cuộc sống trở nên khó khăn.
“Tháng 3 tôi đã phải đi vay mượn bạn bè để trả lãi và gốc ngân hàng nhưng đến tháng 4 thì chưa biết xoay sở ở đâu. Thời điểm này ai cũng khó khăn, đều phải thắt lưng buộc bụng cả. Gia đình tôi đã gọi điện đến ngân hàng, xin giãn nợ và giảm lãi suất. Tuy nhiên, họ cũng trả lời là ghi nhận và hướng dẫn làm đơn xin xét duyệt, còn có được hay không thì cũng chưa biết”, anh Xuân thở dài nói.
Tương tự, gia đình anh Tuấn Minh (36 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho biết, khoản vay ngân hàng mỗi tháng lên tới 13 triệu đồng để mua nhà đang trở nên quá sức với hai vợ chồng.
“Tôi mua nhà từ đầu năm 2019, giá gần 2 tỷ đồng, phải vay 50% giá trị căn nhà. Nếu không thất nghiệp thì hai vợ chồng cũng không quá lo và hoàn toàn có thể trả đúng thời hạn, tuy nhiên ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cho tất cả các cửa hàng, khách sạn đều đóng cửa, dừng hoạt động, hai vợ chồng chưa biết xoay đâu để đóng tiền nhà các tháng tới”, anh Minh nói.
Thất nghiệp, không có thu nhập, phải trầy trật xoay sở để có đủ tiền trả góp mua nhà là tình cảnh của rất nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ làm công chức, văn phòng, trong các khối ngành nghề chịu tác động của dịch bệnh.
Để "cứu" BĐS, nên có chính sách hỗ trợ người tiêu dùng
Theo tìm hiểu của Pv, hiện nay hầu hết các ngân hàng đều có chính sách giảm lãi, giãn nợ để hỗ trợ người vay. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận được hỗ trợ này.
Khách hàng gặp khó khăn phải chủ động làm đơn đề nghị ngân hàng, trong đó chứng minh các thiệt hại về thu nhập, công việc gặp phải do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, các ngân hàng sẽ xem xét và đưa ra các gói hỗ trợ nếu khách hàng đáp ứng đủ điều kiện.
Thế nhưng vướng mắc là không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng giãn nợ, thực hiện cơ cấu nợ cho khách. Bởi điều này còn phụ thuộc vào cơ cấu thu – chi và chính sách riêng của từng đơn vị.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh này, BĐS cũng như nhiều ngành kinh tế khác đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, để hỗ trợ, NHNN đã có chỉ đạo quy định về nợ xấu như cho phép Ngân hàng thương mại giãn nợ, khoanh nợ, gia hạn... Tuy nhiên, chuyên gia này thừa nhận hiện các chính sách đang tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp mà chưa hỗ trợ hướng đến khách hàng cá nhân.
Ở Mỹ, khi xảy ra khủng hoảng, chính phủ sẽ tìm cách đưa tiền cho người dân bằng mọi cách. Khi người dân có tiền, nhu cầu tiêu dùng được thực hiện, các ngành nghề sản xuất kinh doanh sẽ tái hoạt động và nền kinh tế được cứu.
Để hỗ trợ BĐS vượt qua giai đoạn khủng hoảng này, theo ông Hiển nên có chính sách hỗ trợ đối tượng tạo ra tính thanh khoản thực là người mua nhà. Họ có thể là người bị mất việc, thiếu việc, thu nhập giảm do đại dịch. Họ là đối tượng khó khăn khi phải tự xoay sở khoản tiền để trả góp cho căn hộ.
“Việc hỗ trợ cho nhóm đối tượng này để tránh cho họ phải bán lại căn hộ đã mua, dẫn đến tình trạng bán hàng loạt, làm giá giảm mạnh như tình trạng của cơn khủng hoảng BĐS từng xảy ra vào năm 2012”, TS Đinh Thế Hiển khẳng định.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh khủng hoảng, nếu chỉ trông chờ vào các hỗ trợ của ngân hàng thì rất khó. Bởi xét cho cùng ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh, phải cân đối thu chi và lợi nhuận.
Chính phủ có thể xem xét đến các gói cứu trợ bằng cách “bơm tiền” đến tay người tiêu dùng như gói hỗ trợ mua nhà giá rẻ 30.000 tỷ đồng đã từng triển khai cách đây 10 năm khi thị trường BĐS “đóng băng”. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng có cơ hội mua được nhà ưu đãi mà còn tránh cho các doanh nghiệp BĐS rơi vào tình trạng đổ vỡ domino.
Nhìn nhận về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh, các chính sách cứu trợ nếu có phải hướng đến đúng đối tượng. Đó phải là những người “có nhu cầu mua nhà ở thật, không phải là nhà đầu tư thứ cấp”. Vì thế, cần phải xem xét, nghiên cứu thật kỹ các điều kiện đi kèm và thời điểm hỗ trợ cho hợp lý.
Hiệp Nguyễn