Thận trọng khi mua nhà chưa hoàn công và chờ sổ ở TPHCM

Đại Việt

(Dân trí) - Đơn vị nghiên cứu chỉ ra rằng, số căn nhà chưa hoàn công và chờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất (sổ) tại TPHCM trong 6 tháng đầu năm chiếm đến 52% số lượng giao dịch trong thời gian qua.

Theo báo cáo mới nhất của Propzy, pháp lý luôn là một trong những vấn đề đau đầu nhất đối với người giao dịch bất động sản. Không ít người đã "ngậm trái đắng" và nhận những rủi ro không đáng có vì vướng phải các vấn đề pháp lý.

Theo báo cáo, trong các giao dịch mua bán, cho thuê tại TPHCM năm 2020, tỷ lệ nhà chưa hoàn công chiếm đến 46%, nhà sở hữu chung chiếm 23%, đang chờ sổ chiếm 13%, đang thế chấp ngân hàng chiếm 7%, đang tranh chấp chiếm 4%, chưa tách sổ chiếm 7%.

Dữ liệu nghiên cứu trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy, nhà chưa hoàn công tại TPHCM chiếm 35%, sở hữu chung chiếm 33%, đang chờ sổ chiếm 17%, đang thế chấp ngân hàng chiếm 6%, đang tranh chấp chiếm 4%, chưa tách sổ chiếm 2%, các vấn đề pháp lý khác chiếm 3%. Như vậy, số căn nhà chưa hoàn công và chưa có sổ chiếm đến 52% số lượng giao dịch.

Thận trọng khi mua nhà chưa hoàn công và chờ sổ ở TPHCM  - 1

Nhiều căn nhà tại TPHCM được giao dịch nhưng chưa hoàn công hoặc đang chờ cấp sổ (Ảnh minh họa: Q.A).

Luật sư Trần Phú Vinh - đại diện đơn vị nghiên cứu - nhận định, trong giao dịch bất động sản, ngoài những loại giấy tờ cơ bản như CMND, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn thì người dân cũng cần phân biệt được các loại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất như sổ trắng, sổ hồng, sổ đỏ. Hiện nay, sổ hồng, sổ đỏ vẫn là loại giấy tờ chiếm đa số trong các giao dịch.

Luật sư cho rằng, để phân biệt sổ thật hay giả thì có nhiều cách, nhưng phương án hiệu quả và an toàn nhất là đến Văn phòng đăng ký đất hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường để được kiểm tra, xác minh rồi mới tiến hành đặt cọc.

Khi giao dịch bất động sản, bên bán phải đóng thuế phi nông nghiệp hàng năm và thuế thu nhập cá nhân. Bên mua cần đóng lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận.

Bên cạnh đó, bên mua và bên bán cần thanh toán các loại phí khác theo thỏa thuận như phí công chứng và các loại phí phát sinh khác (nếu có).

Luật sư Vinh chia sẻ, có 2 loại hợp đồng người giao dịch bất động sản cần chú ý. Thứ nhất là hợp đồng đặt cọc, đối với loại hợp đồng này, môi giới hoặc công ty dịch vụ sẽ soạn thảo sẵn.

Trước khi ký vào hợp đồng đặt cọc, người mua và người bán cần kiểm tra kỹ thông tin nhân thân và thông tin bất động sản. Hợp đồng đặt cọc cần ghi rõ thỏa thuận của các bên để làm cơ sở ký kết hợp đồng mua bán sau này.

Thứ hai là hợp đồng mua bán, cần làm theo mẫu của Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng. Bên mua và bên bán cần kiểm tra kỹ về thông tin chuyển nhượng và thông tin nhân thân để sẵn sàng công chứng. Lưu ý, khi công chứng xong cả hai bên đều phải giữ một bản hợp đồng mua bán để làm cơ sở chứng minh giao dịch hợp pháp.

Vị luật sư khuyến nghị, người mua nhà nên tìm đến các đơn vị môi giới uy tín, có hệ thống văn phòng chuyên nghiệp và đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm để nhờ hỗ trợ. Những đơn vị này sẽ đồng hành cũng người mua trong quá trình giao dịch bất động sản, tránh các rủi ro đáng tiếc.