Sướng như người có tiền: Mua nhà được trả góp như mua điện máy

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Bất động sản khó, không ít chủ đầu tư đang xoay chiều theo nhu cầu khách hàng, tìm khách sẵn tiền mặt mua căn hộ với các ưu đãi đi kèm như miễn phí lãi suất 2 năm, giảm giá nhà, cho chậm thanh toán...

Mua bất động sản được trả góp như hàng điện máy

Chủ đầu tư một dự án căn hộ cao cấp tại khu vực Thủ Thiêm, TP Thủ Đức (TPHCM) vừa công bố chính sách bán hàng giai đoạn 2 gây tò mò cho thị trường. Dự án đã được bàn giao cho khách hàng vào ở. Nếu mua căn hộ, khách chỉ cần thanh toán 30% giá trị căn hộ là nhận nhà, phần còn lại được trả góp 2 năm với lãi suất 0%. Nếu khách có nhu cầu vay vốn ngân hàng, chủ đầu tư sẽ hỗ trợ lãi suất trong 2 năm đầu tiên. Trong trường hợp khách hàng thanh toán hết 95% giá trị căn hộ ngay khi ký hợp đồng mua bán, chủ đầu tư chiết khấu 15% và trừ trực tiếp vào giá bán.

Chính sách trả góp 2 năm với lãi suất 0% gợi liên tưởng tới các sản phẩm điện máy, điện lạnh cũng được nhiều siêu thị lớn triển khai. Nhưng mặt hàng ở đây lại là bất động sản, với giá trị hàng tỷ đồng.

Dự án trên được chủ đầu tư công bố mức giá bán hàng giai đoạn này vào khoảng 84 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, khi được giới thiệu vào năm 2019, dự án này có giá chào bán khoảng 65-70 triệu đồng/m2. Như vậy từ 2019 đến nay, giá đã tăng khoảng 30%. Một số ý kiến cho rằng việc trả góp lãi suất 0% đã được chủ đầu tư tính vào giá bán.

Phản hồi Dân trí về việc tăng giá bán dự án so với giai đoạn đầu, ông Đoàn Chí Thanh, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh Nhà Khởi Thành - chủ đầu tư, nói giai đoạn 2, công ty bán ra hơn 80 căn. Giá 84 triệu đồng/m2 là bằng nửa giá các dự án cùng khu vực và tăng so với giai đoạn mở bán đầu tiên do trượt giá, cộng với lãi vay ngân hàng, giá cả vật tư tăng theo. Riêng lãi vay ngân hàng, 4 năm là 40%. Theo ông, giá bán tăng nhưng chủ đầu tư lỗ. 

Theo tính toán, nếu mua căn hộ của dự án này, khách hàng có thể trả góp hàng tháng trên trăm triệu đồng. Số tiền này, theo ông Thanh, lớn với người không đủ thu nhập đáp ứng, còn tệp khách hàng của dự án là người có khả năng chi trả, có nhu cầu thật.

Sướng như người có tiền: Mua nhà được trả góp như mua điện máy - 1

Thị trường bất động sản có các chính sách kích cầu thanh khoản (Ảnh: Khổng Chiêm)

"Xoay chiều" theo nhu cầu khách hàng

Trong giai đoạn thị trường khó khăn, các chủ đầu tư linh hoạt triển khai nhiều chính sách nhằm kích cầu và tạo thanh khoản.

Tại dự án gần chục hecta ở quận Bình Tân, TPHCM, với một số căn hộ diện tích lớn, 3 phòng ngủ, chủ đầu tư có chính sách đặc biệt, chiết khấu 8-10% trên giá bán nếu khách nhận nhà, vào ở luôn. Với những căn diện tích lớn khác, chủ đầu tư còn hỗ trợ khách hàng chi trả 40% giá trị căn hộ trong 18 tháng, hỗ trợ lãi suất vay 8%/năm trong 18-24 tháng. Bởi thời điểm này, nhiều khách hàng không ưu tiên các căn hộ diện tích lớn, thích các căn 50-60m2, 2 phòng ngủ vì túi tiền phù hợp.

Hay một dự án khác tại TP Thủ Đức của chủ đầu tư nước ngoài, khách hàng nhận nhà sau 3 năm mới phải đóng đầy đủ giá trị căn hộ; hay đóng 65% giá trị căn hộ, nhận nhà rồi tiếp tục thanh toán. Một dự án căn hộ tại Quận 7, TPHCM còn từng áp dụng lịch thanh toán 1% mỗi tháng. Một chủ đầu tư phía Nam thời điểm năm 2016 còn hỗ trợ trả chậm trong 4-6 năm theo tiến độ thanh toán 1%/tháng.

Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án, DKRA Group, nhận định việc các chủ đầu tư thực hiện các chính sách kích cầu như cho mua bán trả góp theo giá trị căn hộ không có gì mới. Trong giao dịch bất động sản, rủi ro lớn nhất với khách hàng là vấn đề pháp lý.

Ông Thắng chỉ ra mức độ rủi ro với dự án hình thành trong tương lai, vừa khởi công xong mà khách hàng mua là cao nhất. Tiếp đến là dự án đang xây giữa chừng rồi bán ra, dự án xây gần xong chuẩn bị hoàn thiện, rồi tới dự án đã bàn giao, cuối cùng là dự án đã ra sổ hồng. Với các dự án đã bàn giao, đã có sổ, rủi ro pháp lý gần như thấp nhất. Do đó, người mua gặp rất ít hạn chế về rủi ro với loại sản phẩm này.

Cũng theo ông, các chính sách kích cầu của chủ đầu tư giai đoạn này là bình thường, khi thị trường khó khăn thì cần tăng thanh khoản, đem lại nguồn thu, dòng tiền.